Chiều 31-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 5-2024.
Tại phiên họp, vấn đề giải ngân đầu tư công được nhiều sở, ban, ngành phân tích, làm rõ. Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng nhìn nhận giải ngân vốn đầu tư công của TP chưa có chuyển biến tích cực.
Tính đến hết ngày 30-5, TP giải ngân 6.889 tỉ đồng, đạt 8,7% so với kế hoạch vốn năm 2024, tiến độ giải ngân rất chậm so với mục tiêu đề ra.
Hết thi đua, giải ngân lại cầm chừng
Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Hoàng Hải nhìn nhận tháng 4 và tháng 5, tiến độ giải ngân của TP rất chậm, bình quân một tuần chỉ giải ngân đạt 150-180 tỉ đồng, không có tuần nào vượt 200 tỉ đồng.
“Bốn tháng mà giải ngân không đạt 1.000 tỉ đồng, trong khi những ngày cuối quý I, với việc thúc đẩy tinh thần giải ngân vốn đầu tư công thì có ngày giải ngân đến 1.000 tỉ đồng” – ông Hải nói và dẫn chứng ngày 30 và 31-3 dù là cuối tuần nhưng Kho bạc tiếp nhận hồ sơ giải ngân đến 1.000 tỉ đồng/ngày.
Ông Hải nhìn nhận sau khi kết thúc đợt thi đua cao điểm thì tốc độ giải ngân trở nên cầm chừng. “Công nhân làm việc thì nhà thầu trả lương, vật tư, vốn đổ vào công trường thì phải trở thành giá trị hoàn thành… từ đó gửi đến Kho bạc trả cho nhà thầu… Nhưng không hiểu vì sao hai tháng qua lại không có tuần nào giải ngân được trên 200 tỉ đồng” – ông Hải nói và nhắc lại hai tháng thi đua giải ngân đầu tư công đã giải ngân hơn 30.000 tỉ đồng, mỗi ngày giải ngân 2.000 tỉ. Tuy nhiên sau đó, tốc độ chậm rõ rệt.
Từ đó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM đề nghị tiếp tục phát động đợt thi đua mới, kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu cùng phối hợp để tăng tốc độ giải ngân như đợt thi đua trước đây; như thế tình hình mới chuyển biến.
Kiểm tra, xử lý một số dự án chậm vào tháng 6
Lên tiếng về việc chậm giải ngân, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP (gọi tắt là Ban Dân dụng và công nghiệp) thừa nhận công tác giải ngân của ban chậm và thấp, tập trung vào các dự án chuyển tiếp.
Theo ông, cái khó là vốn tạm ứng quá lớn, hiện nay thu hồi vốn là chính nên ảnh hưởng đến khối lượng giải ngân. Hai tuần qua, Ban dân dụng và công nghiệp có làm việc với từng nhà thầu, đề nghị có cam kết tháng 6 phải có chuyển biến, nếu không sẽ xử lý nghiêm theo chỉ đạo của UBND TP.
Trao đổi lại, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận lãnh đạo TP và các chủ đầu tư sẽ phải làm việc với các nhà thầu, nếu có biến động giá thì đàm phán lại phụ lục.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị chủ đầu tư rà soát lại dự án nào không có tiến triển thì xử lý. “Văn phòng UBND TP và Sở KH&ĐT lên kế hoạch trong tháng 6 phải kiểm tra một số dự án, đánh giá xem lỗi của nhà thầu hay lỗi quản lý và xử lý một vài dự án. Chứ chưa rà soát, xử lý các nhà thầu trên từng dự án cụ thể mà kéo dài tháng này qua tháng kia thì rất khó” – ông Mãi nói.
Ông Mãi nhìn nhận nếu lỗi do quý I tạm ứng nhiều nên giờ phải trả ứng thì cần xem lại nhà thầu đã tập trung làm chưa, có tinh thần ba ca, bốn kíp chưa.
Theo ông Phan Văn Mãi, trên kế hoạch thì tiến độ giải ngân rất ổn nhưng trên thực tế thì không đạt được.
“Chúng ta cần tỉ lệ giải ngân thật, công trình hoàn thành, cần tiền đi vào nền kinh tế và kinh tế tăng trưởng chứ không cần con số đẹp” – ông Phan Văn Mãi nói và đề nghị tinh thần trách nhiệm cao, tính tự ái, “không cần ai đi kiểm tra, xử lý kỷ luật thì mới làm”.