Ông Trịnh Văn Quyết: Chúng tôi thuê 1 máy bay 10 tỉ/tháng

“Số lượng các sân bay hiện nay đã đủ rồi nhưng vấn đề ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước bỏ ngỏ công tác quản lý, không có sự phân luồng. Nếu chúng ta phân luồng thì không có việc sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất bị tắc nghẽn”.

Đó là nhận định của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, phát biểu tại tọa đàm tiềm năng phát triển hàng không Việt Nam diễn ra chiều 26-7.

Người đứng đầu Tập đoàn FLC cho rằng hiện nay các chuyến bay chặng Hà Nội-TP.HCM là đường bay vàng, siêu lợi nhuận nên hãng nào cũng muốn hướng đến.

Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định đây là lần đầu ông chia sẻ những bất cập hiện nay. Ảnh: Bizlive

“Tôi tính nhẩm, như FLC hiện nay thuê trọn gói một chiếc máy bay với giá khoảng 10 tỉ đồng/tháng. Mỗi chiếc máy bay bay ít nhất một ngày sáu chuyến với 200 chỗ ngồi. Nếu đem so mức giá hiện nay chặng Hà Nội-TP.HCM cho một vé khứ hồi có giá 5,4 triệu đồng thì bình quân mỗi ngày thu về 3,3 tỉ đồng/chuyến, một tháng thu về khoảng 99 tỉ đồng.

Nếu tính các ghế không được lấp đầy, tôi trừ đi 30%-40% thì doanh nghiệp vẫn thu về 60 tỉ đồng/tháng…” - ông Quyết nói với mức thu như vậy các hãng đang lời "khủng".

Để giải quyết bài toán tắc nghẽn sân bay, người đứng đầu Tập đoàn FLC cho rằng ngoài các biện pháp trên, Nhà nước phải đưa ra cơ chế, thậm chí là cưỡng chế các hãng hàng không phải mở các chuyến bay đi các tỉnh để giảm áp lực cho Hà Nội-TP.HCM.

Thực tế hiện nay theo ông Quyết, người dân các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình… muốn di chuyển đi các tỉnh miền Tây đều phải ra Nội Bài và gây áp lực lớn lên các sân bay này. Nếu không phân luồng, mở đường bay để giảm tải, giảm giá vé… sẽ rất khó giải bài toán trên.

Bàn về phát triển hàng không, ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng tiềm năng phát triển hàng không rất lớn và tác động lớn đến phát triển kinh tế.

“Chúng tôi thấy rằng bình quân khách hàng không nội địa đóng góp cho phát triển kinh tế là 100 USD, 1.000 khách nội địa đóng góp 1 tỉ USD cho nền kinh tế còn khách quốc tế là 500 USD, 200 triệu khách quốc tế đóng góp 10 tỉ USD cho kinh tế.

Thứ hai, phải có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không. Trước đây, ngành hàng không thường của quốc gia, không có tư nhân nhưng bây giờ tư nhân tham gia rất nhiều. Hiện nay trên thế giới có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế.

Tôi cho rằng cần tham khảo chính sách như ở Ấn Độ, họ có chủ trương có những sân bay 100% tư nhân đầu tư. Để khai thác tiềm năng, có nhu cầu đến thì hạ tầng cơ sở là điểm nghẽn lớn nhất nên làm sao gắn sự khai thác sân bay và máy bay" - ông Tống nói.

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế-tài chính, cũng khẳng định tiềm năng du lịch hàng không rất lớn. Ông ví hàng không và du lịch là "cặp song sinh".

Hiện dân số Việt Nam tăng nhanh, trong khi mới 10% dân số tiếp cận hàng không, trong tương lai, tốc độ dân số tăng nhanh, GDP tăng nhanh, kinh tế-chính trị ổn định, phong cảnh đẹp, cầu nội địa tăng nhanh…

“Từ suy nghĩ và tính toán, tôi cho rằng triển vọng của ngành hàng không lớn nhưng nhà đầu tư vào có thành đạt hay không còn tùy thuộc kinh nghiệm và bản lĩnh của anh…” - ông Long nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm