Sáng 24-1, TAND TP Hà Nội đã xử sơ thẩm vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, cựu chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh; chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) cùng sáu bị cáo khác bị truy tố về tội tham ô tài sản. VKS cáo buộc thông qua việc bán cổ phần của PVP Land tại Công ty CP Xuyên Thái Bình Dương với giá chênh lệch, ông Thanh cùng đồng phạm đã chiếm đoạt 49 tỉ đồng.
Một bữa cơm môi giới, nhận 5 tỉ
Trong phần làm thủ tục, đại diện VKS đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập hai điều tra viên và một số nhân chứng vắng mặt. Sau khi đại diện VKS công bố cáo trạng, HĐXX đã cách ly ông Thanh để thẩm vấn các bị cáo khác.
Ông Đinh Mạnh Thắng khai nhận việc đưa cựu phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan Thái Kiều Hương đến gặp ông Thanh tại một nhà hàng. “Hương chỉ nói nhờ sắp xếp gặp anh Thanh ăn cơm để có lời, còn nhờ việc gì thì không nói rõ” - ông Thắng khai.
“Sau cuộc gặp này, bị cáo có nhận được 5 tỉ đồng từ Hương. Hương nói “Em cám ơn anh” chứ bị cáo không biết cám ơn về việc gì. Theo bị cáo hiểu là cám ơn việc sắp xếp cuộc gặp với anh Thanh” - ông Thắng nói.
Cùng với đó, bà Hương nhờ ông Thắng chuyển cho ông Thanh 14 tỉ đồng. Tại thời điểm bà Hương nhờ, ông Thắng không có nhà nên nhắn cứ chuyển qua nhà, vợ ông sẽ nhận hộ. Nhận tiền, ông Thắng gọi cho ông Thanh và được ông Thanh bảo chuyển tiền qua tài xế của ông Thanh. “Hôm sau bị cáo mang tiền lên xe và đến cơ quan, nói với tài xế của mình chuyển tiền cho tài xế của anh Thanh. Trước khi chuyển tiền, bị cáo có gọi điện thoại báo cho anh Thanh” - ông Thắng khai.
Trả lời câu hỏi của HĐXX rằng nhận thức như thế nào về hành vi của mình, ông Thắng nói chỉ nghĩ “vô tình” giúp bà Hương gặp ông Thanh. “Kết luận điều tra và cáo trạng kết luận đồng phạm như thế nào, tôi không biết. Tôi không tham gia việc chuyển nhượng cổ phần” - ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng khai nhận sau khi CQĐT khởi tố vụ án Lê Hòa Bình cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà Hương yêu cầu trả lại tiền nên ông nói lại với ông Thanh chuyển trả lại tiền.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng (bên trái) và bị cáo Trịnh Xuân Thanh (bên phải) trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN
Ông Thanh nói không muốn cầm tiền
Chiều 24-1, HĐXX xét hỏi ông Trịnh Xuân Thanh liên quan đến cáo buộc tham ô 14 tỉ đồng.
Ông Thanh khai cuối tháng 3-2010, ông Thắng mời ông ăn tối tại một nhà hàng. Tại đây, nghe ông Thắng nói về chủ trương thoái vốn của PVP Land tại Công ty CP Xuyên Thái Bình Dương, ông Thanh nói: “Khi có tờ trình của anh Phong (cựu chủ tịch HĐQT PVP Land Đào Duy Phong) về chủ trương thoái vốn tôi đã đồng ý ngay rồi”. Sau đó, ông Thanh về sớm. “Khi đi trên xe, Toàn (tài xế của ông Thanh) nói anh Lưu (tài xế của ông Thắng) đưa cho cái túi. Bị cáo nói với Toàn: “Tôi cấm anh không được nhận cái gì mà không hỏi tôi” - ông Thanh khai.
Ông Thanh khai tiếp: “Bị cáo về mở ra thấy có tiền. Bị cáo gọi điện thoại cho Thắng nói “Không được, tôi không lấy của anh, đề nghị anh đến lấy lại”. Thắng nói đi công tác mấy ngày. Sau khi Thắng về, bị cáo đã gặp Thắng trả lại tiền”.
HĐXX cho đối chất với ông Thắng. Ông Thắng khai: “Khi gặp anh Thanh ở nhà hàng chưa phát sinh gì việc mua bán cả, chỉ nói về chủ trương thoái vốn của PVP Land. Việc chuyển tiền anh Thanh nhớ nhầm. Sau khi ký hợp đồng mới chuyển tiền”.
Tại tòa, ông Thanh có lúc không giữ được bình tĩnh, gay gắt nói: “Bị cáo đã bị tù chung thân rồi, bị cáo không việc gì phải nói dối”.
Trước đó, trả lời HĐXX, cựu phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan Thái Kiều Hương thừa nhận đã chuyển cho ông Thắng 5 tỉ đồng do cựu tổng giám đốc PVP Land Nguyễn Ngọc Sinh nhờ. “Tại buổi tiệc nhận tiền đặt cọc tại một nhà hàng, anh Hùng (nguyên trưởng phòng kinh doanh PVP Land Đặng Sỹ Hùng) gọi điện thoại cho bị cáo nói anh Sinh nhờ chuyển 14 tỉ cho anh Thanh” - bà Hương khai tiếp. Sau đó bà Hương nhờ ông Thắng chuyển cho ông Thanh 14 tỉ đồng.
HĐXX cũng thẩm vấn tài xế của ông Thắng và ông Thanh. Tài xế của ông Thắng khai được ông Thắng yêu cầu chuyển vali cho tài xế của ông Thanh. Tài xế của ông Thanh sau đó cũng khai có nhận một vali từ tài xế của ông Thắng. “Tôi báo cáo lại với anh Thanh là anh Lưu (tài xế của ông Thắng) chuyển anh chiếc vali. Anh Thanh nói “Tao biết rồi” - tài xế của ông Thanh khai.
An ninh được siết chặt Từ sáng sớm, an ninh phiên tòa được siết chặt. Không chỉ có hệ thống rào chắn trước khu vực cổng tòa mà nhiều cảnh sát cũng đứng tại đây. Các PV không được ra vào qua lối cổng chính như phiên xử ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm mà phải đi bằng cổng phụ. Tại đây, mỗi PV đều phải qua cửa an ninh từng bước một, xuất trình thẻ ra vào và giấy tờ tùy thân rồi đi qua hệ thống máy quét của lực lượng an ninh. Nếu như ở phiên xử ông Đinh La Thăng, các PV có thể ra khu vực sân tòa tác nghiệp thì ở phiên xử này, lực lượng an ninh hạn chế triệt để. Báo chí không được chụp ảnh, quay phim mà chỉ được hoạt động trong khu vực phòng làm việc dành cho báo chí. |