Từ những lời lẽ có cánh như “Tổng thống Putin lãnh đạo giỏi hơn ông Obama” đến các tuyên bố muốn hòa dịu với Moscow rồi quyết định chọn trùm dầu khí Rex Tillerson cho vị trí ngoại trưởng Mỹ, nhiều người đã dự đoán một tương lai tốt đẹp cho quan hệ Nga-Mỹ.
Nhưng các nhà quan sát hôm 15-2 đã một phen giật mình trước dòng trạng thái Twitter của ông Trump: “Crimea đã bị Nga chiếm trong nhiệm kỳ của ông Obama. Phải chăng ông Obama đã quá mềm yếu trước Nga?”. Đáp lại, Moscow tuyên bố sẽ không bao giờ trả lại Crimea cho Ukraine bởi bán đảo này là một phần lãnh thổ của Liên bang Nga. Dẫu vậy, các tuyên bố có vẻ bất đồng về Crimea nhiều khả năng chỉ là một gợn sóng nhỏ đối với mối quan hệ mà Washington và Kremlin đang cố cải thiện.
Nhìn lại cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Putin sau khi nhậm chức, ông Trump đã không hề đá động gì tới vấn đề Crimea. Phát ngôn mới nhất của ông Trump thực chất cũng chỉ là một câu nói trên mạng xã hội và chưa phản ánh nhiều về sự xoay chuyển lập trường của ông. Ngoài ra, tới nay ông Trump cũng không lé lộ thêm bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào nhằm vào Nga hoặc đưa ra các điều kiện mới để buộc Nga từ bỏ Crimea. Cần nhớ rằng vào tháng 7-2016, ông Trump thậm chí từng tuyên bố sẽ cân nhắc việc công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.
Trong một bình luận hôm 16-2, ông Trump lại chỉ trích rằng những thông tin sai lệch về mối liên hệ các trợ lý của ông và chính phủ Nga đã chia cách ông và Tổng thống Putin, theoThe Washington Post. Còn trong cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bên lề hội nghị ngoại trưởng G20, ông Tillerson cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ xem xét hợp tác với Nga, cố gắng vượt qua giai đoạn cực kỳ xấu trong quan hệ hai nước.
Vậy liệu chăng ông Trump có thật sự muốn làm căng thẳng thêm về Crimea hay đây chỉ là một bình phong? Trong bối cảnh các cố vấn và trợ lý của mình đang bị cáo buộc liên quan đến Nga, việc tỏ ra cứng rắn một chút về vấn đề Crimea cũng là một cách để ông Trump giảm sức nóng của vụ bê bối.