Chiều ngày 19-10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tọa đàm "Phát huy vai trò doanh nghiệp và người dân trong phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, để bảo đảm lưu thông hàng hóa, chúng ta phải bảo đảm được sự thông suốt của quốc gia, có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương và cá nhân cản trở mạch lưu thông, cố tình trì hoãn hoặc hiểu không đúng, hiểu lệch lạc chỉ đạo của Chính Phủ.
Từ đó, ông Thiên cho rằng, các địa phương cần nhận thức đúng bản chất dịch bệnh để thoát khoải tâm lý sợ hãi quá mức, quá trình vận hành không bị chia cắt hành chính của nền kinh tế. "Chúng ta thận trọng, nhưng cũng cần tích cực"- Ông Thiên nói.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng ta cần thành lập sớm quỹ bảo lãnh tín dụng từ phía nhà nước cho doanh nghiệp vay ngân hàng khi thiếu điều kiện. Đây là biện pháp cứu nền kinh tế, phải chấp nhận rủi ro, tất nhiên phải có tính toán và tiêu chuẩn rõ ràng, căn cứ vào chính khả năng phục hồi của doanh nghiệp nhờ vào khoản vay đó.
Ông Trần Đình Thiên chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: PH
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, phải để người dân là trung tâm, tạo điều kiện để họ hoạt động bình thường, không “trói buộc” doanh nghiệp trong thời gian chống dịch. Bởi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị tổn thương nặng nề, kéo theo sinh kế của hàng triệu người dân gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm về giải pháp trong điều kiện bình thường mới. Ảnh: PH
Do đó, ông Cung nêu quan điểm, tất cả chốt trạm ở các địa phương cần phải được bỏ hết để lưu thông. Việc xuất hiện một vài ổ dịch nên cho đó là bình thường, không nên sốc như trước kia.
TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới cho biết, về cơ bản Chính phủ đã kiểm soát được dịch, nền kinh tế bắt đầu trở lại, ngoài dịch bệnh, thế giới còn đối mặt với rất nhiều rủi ro như thiên tai, tài chính.
Dịch bệnh tác động đến doanh nghiệp ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, đây là vấn đề nghiêm trọng.
Vị này nhìn nhận các giải pháp về kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ rất tích cực, hiệu quả nhưng cần tăng cường về giải pháp cứu trợ trước mắt và giải pháp dài hạn hơn. Tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, đổi mới tư duy, giải phóng cho doanh nghiệp khỏi các rào cản, để có cơ hội bứt phá tốt hơn.
"Tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần quyết liệt thực hiện"- Ông nói.
Ngoài ra, theo vị này cần nhìn nhận đại dịch COVID-19 như một thời cơ thực hiện đột phá trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là chủ động rà soát kịp thời, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách phù hợp với điều kiện tình bình thường mới...