Phân bón giả vẫn hoành hành

(PLO)- Thời gian gần đây giá phân bón liên tục tăng cao, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình này để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm trục lợi bất chính.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự hoành hành của phân bón giả, phân bón kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây mất niềm tin của người dân, thách thức cơ quan quản lý.

Nhiều cơ sở bị xử phạt vì kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thời gian qua, cơ quan này liên tục phát hiện và xử phạt nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng tại nhiều tỉnh, thành phố.

Đơn cử tại Thái Nguyên, từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh phối hợp cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phân bón đối với hai hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Đại Từ và huyện Phú Lương. Trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm mẫu xác định 2/3 loại phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định về chất lượng phân bón. Với vi phạm nêu trên, hai hộ kinh doanh đã bị xử phạt hành chính với số tiền trên 24 triệu đồng.

Trước đó, vào tháng 10, lực lượng QLTT tỉnh Đồng Tháp phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Nông nghiệp Hiệp Phát (địa chỉ ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp).

Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra lấy 1 mẫu phân bón gửi đi kiểm nghiệm. Số lượng phân bón còn tồn tại thời điểm lấy mẫu là 400 bao (loại 50 kg/bao), tổng trị giá lô hàng 526 triệu đồng. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy mẫu phân bón nêu trên có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp sau đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 260 triệu đồng về hành vi vi phạm nêu trên.

Tại Gia Lai, với hành vi buôn bán phân bón giả, một hộ kinh doanh ở thôn Ngô Sơn, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh cũng vừa bị xử phạt hành chính hơn 280 triệu đồng.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phân bón

TS. Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết Hiệp hội cũng liên tục nhận được phản ánh của doanh nghiệp, người dân về tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Sau khi nhận được thông tin, Hiệp hội đã phản ánh với các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có QLTT đề nghị vào cuộc, xử lý.

Theo TS. Phùng Hà, với vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất là người nông dân, bởi phân bón giả, kém chất lượng sẽ khiến sản lượng cây trồng suy giảm, mất công chăm sóc.

Về nguyên nhân khiến tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn ra tràn lan là mức lợi nhuận lớn, công đoạn làm giả đơn giản. “Đơn cử như với phân NPK, thành phần gồm đạm, lân, kali với tỷ lệ lần lượt là 16:16:8. Tuy nhiên, nếu làm chuẩn theo tỷ lệ này thì lợi nhuận không nhiều, nên các đối tượng thay đổi các chỉ tiêu, thành phần để thu lời cao hơn” - TS. Phùng Hà cho hay.

Để ngăn chặn, đẩy lùi nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng QLTT cần quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này ở cả khâu sản xuất và khâu tiêu thụ. Đồng thời, người dân cũng nên mua hàng ở các thương hiệu lớn, của các cơ sở kinh doanh uy tín.

Theo thống kê của lực lượng QLTT, các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; buôn bán phân bón không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, không niêm yết giá bán hàng hóa, buôn bán hàng hóa vi phạm về nhãn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm