Pháp vẫn đứng đầu bảng, hơn Thụy Điển xếp nhì 3 điểm nhưng ở chuyến làm khách này sẽ rất khó. Đội chủ nhà quyết tâm phục hận, đồng thời cố soán ngôi Pháp nhằm chiếm chiếc vé chính thức duy nhất để không phải đi tranh vé vớt.
Đội tuyển Thụy Điển trong quá trình trẻ hóa không có đội hình đắt giá như Pháp nhưng họ cũng có rất nhiều cầu thủ lăn lộn ở các giải quốc gia châu Âu nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ngược lại, đội Pháp dưới quyền HLV Deschamps từ trước Euro 2016 vẫn giữ vững phong độ cao với nhiều ngôi sao sáng. Tuy nhiên, cái khó của ông thầy Deschamps là sở hữu quá nhiều cầu thủ giỏi sẽ đau đầu giải bài toán chọn ai, bỏ ai trong cuộc đối đầu này. Pháp không thể thua nhưng vẫn không chắc lấy đủ 3 điểm làm vốn để không bị các đối thủ ngoài Thụy Điển còn là Bulgaria và Hà Lan lăm le lật đổ.
Bảng F có cặp đấu hấp dẫn Scotland tiếp tuyển Anh (23 giờ ngày 10-6) là cuộc đối đầu lâu năm nhất. Họ đụng độ đến 113 lần (kể cả giao hữu) trong 45 năm qua, nhiều nhất lịch sử bóng đá quốc tế. Tuyển Anh chiếm ưu thế hơn với 48 trận thắng, 41 trận hòa và chỉ bại 24 trận. Hai đối thủ láng giềng cùng nằm trong Vương quốc Anh được mệnh danh là một cuộc nội chiến giữa hai con gà tức nhau tiếng gáy.
Tuyển Anh hiện đứng đầu bảng F với 13 điểm và trận lượt đi từng thắng thuyết phục Scotland 3-0, hơn chính đối thủ này 6 điểm đang xếp hạng tư. Mộng của Scotland là thắng trận để cạnh tranh với Slovekia (9 điểm) và Slovenia (8 điểm), không kể Lithuania (5 điểm) và Malta lót đường chưa có điểm nào.
Scotland phải có điểm khi tiếp tuyển Anh nếu không muốn bị loại sớm. HLV Strachan trông cậy nhiều vào số cầu thủ đang chơi ở giải Ngoại hạng Anh (14 người) quá hiểu đường đi nước bước của đồng nghiệp phía bên kia để khắc chế đối phương.