Ứng dụng này mới du nhập vào Việt Nam và đã nhanh chóng được người dùng tận dụng. Tuy nhiên, việc thuê bất động sản qua ứng dụng này còn một số vướng mắc trong quy định pháp luật liên quan.
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định: “Nếu là căn hộ chung cư đem cho thuê ngắn hạn (theo giờ, theo buổi hay theo ngày….) qua nền tảng Airbnb thì Luật Nhà ở đều đang cấm. Nguyên nhân là căn hộ chung cư không được phép sử dụng vào mục đích kinh doanh”.
Luật sư Cường khẳng định theo quy định của pháp luật, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Khi cung cấp dịch vụ này, các chủ thể kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện theo quy định và thực hiện một số thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý về việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh.
Các điều kiện cơ sở lưu trú, lưu trú du lịch phải đáp ứng được quy định trong các văn bản như Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Du lịch; Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
“Về bản chất, tôi cho rằng Airbnb cũng là một loại dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên, mô hình này hiện chưa đáp ứng được các điều kiện hoặc không thực hiện các thủ tục hành chính áp dụng đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú theo pháp luật về du lịch” - ông Cường nói.
Hiện tại, việc cho thuê phòng mô hình Airbnb chỉ thực hiện theo quy trình tự đặt ra. Cụ thể, để cho thuê phòng trên Airbnb, bên cho thuê chỉ cần đăng ký tài khoản và đưa các thông tin về căn hộ cho thuê, giá thuê và không cần chứng minh đã đáp ứng đủ các điều kiện quy định về kỹ thuật (về PCCC, an ninh, an toàn…) hay về kinh doanh (có đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm trú cho khách...).
Về mặt pháp lý, ngay cả khi các chủ thể thực hiện những thủ tục trên thì mới chỉ là các yêu cầu chung. Trong khi đó, pháp luật du lịch còn có các yêu cầu riêng áp dụng cho từng loại hình cư trú mà thực tế hiện nay chưa xác định loại hình kiểu Airbnb là loại cơ sở lưu trú nào nên không thể áp dụng.
Bên cạnh đó, trên thực tế còn phát sinh một số vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự cho các chủ hộ lân cận căn nhà cho thuê trong tòa nhà chung cư trong trường hợp khách thuê vi phạm pháp luật (sử dụng ma túy, gái mại dâm, quậy phá, trộm cắp…). Nếu xảy ra sự cố, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Ngoài ra, dưới góc độ vĩ mô, tương tự dịch vụ đi chung xe ride-sharing, home-sharing cũng đặt ra khó khăn cho các nhà quản lý cũng như vấn đề thuế do Airbnb không có đại diện tại Việt Nam.
“Thực trạng trên đòi hỏi cơ quan chức năng của các ngành du lịch, thuế, quản lý thị trường, bất động sản… cần nhanh chóng có những nghiên cứu, thống kê, đánh giá và đưa ra những giải pháp quản lý cụ thể đối với mô hình kinh doanh này, bảo đảm đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở tôn trọng luật pháp, cạnh tranh lành mạnh” - ông Cường góp ý.