30 năm Pháp Luật TP.HCM (17-9-1990 – 17-9-2020)

Pháp Luật TP.HCM cùng gỡ nút thắt phát triển

Còn nhớ khoảng cuối tháng 3-2020, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo hốt hoảng trước thông tin tạm ngừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24-3 đến hết tháng 5-2020, giữa lúc xuất khẩu mặt hàng này đang đắt khách với nhiều hợp đồng đã ký. Đáng nói hơn, năm nay lúa được mùa, lượng gạo tồn kho rất nhiều, nếu không cho xuất sẽ gây thiệt hại khủng khiếp cho cả nông dân, DN và cả nền kinh tế.

Cùng giải cứu hạt gạo Việt

Nhận thấy lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo là bất hợp lý và không sát thực tế, ảnh hưởng rất lớn đến rất nhiều DN xuất khẩu gạo và hàng triệu nông dân ĐBSCL, cùng với các báo khác, Pháp Luật TP.HCM nhập cuộc.

Cùng với việc ghi nhận thực tế từ các cánh đồng lúa cho đến lượng gạo đang nằm ở các bến cảng, nhà máy, kho chứa của DN xuất khẩu, chúng tôi đã thực hiện nhiều bài phản ánh liên quan. Thông điệp được truyền đi là việc tạm dừng xuất khẩu này có thể khiến hàng ngàn DN xuất khẩu gạo lâm vào nguy cơ phá sản. Kéo theo đó là hàng triệu nông dân tại ĐBSCL chịu thiệt.

Thông điệp từ các bài báo cũng chỉ ra rằng đang có sự lúng túng, thiếu nhất quán trong đề xuất ngừng xuất khẩu gạo.

Cuối cùng, Chính phủ đã tháo gỡ các điểm nghẽn, bỏ chế độ hạn ngạch và cho xuất khẩu gạo trở lại từ ngày 1-5-2020.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết việc Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường giúp hàng ngàn DN thoát nguy cơ phá sản, hàng triệu tấn gạo đang tồn kho được xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước.

“Đồng thời, Việt Nam đã chớp được thời cơ cạnh tranh với các đối thủ khác, vừa được nhiều khách hàng đặt mua, vừa bán được giá. Bằng chứng là giá gạo xuất khẩu trong năm nay cao nhất trong 10 năm qua, lần đầu tiên bán được giá hơn cả gạo Thái Lan” - ông Bình chia sẻ.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhìn nhận Pháp Luật TP.HCM đã kịp thời chuyển tải những đề xuất của hiệp hội và các DN, đại diện các địa phương sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL về cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường. Đó chính là cầu nối đưa thông tin DN tới cơ quan quản lý và ngược lại, nhờ đó lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo được dỡ bỏ.

Loạt bài về xuất khẩu gạo của Pháp Luật TP.HCM đã kịp thời chuyển tải những đề xuất của các doanh nghiệp và người dân sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL tới cơ quan quản lý, góp phần vào việc dỡ bỏ lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo. Ảnh: NGUYỆT NHI

Góp niềm vui cho trái cây Việt qua Mỹ

Cùng với việc góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu gạo, năm qua Pháp Luật TP.HCM cũng góp tiếng nói của mình trong nhiều nội dung khác.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T, với đời sống của DN, Pháp Luật TP.HCM là tờ báo đưa thông tin rất kịp thời, xác đáng, góp phần gỡ vướng cho DN.

Như mới đây, Pháp Luật TP.HCM đã kịp thời phản ảnh việc ách tắc trong xuất khẩu trái cây sang Mỹ gây khó khăn cho DN, do nhân viên kiểm dịch của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS) về nước.

Từ tháng 5 đến nay, xuất khẩu gạo khởi sắc. Khối lượng gạo xuất khẩu tám tháng đầu năm đạt 4,5 triệu tấn với giá trị 2,2 tỉ USD. 

Ngay sau khi báo chí thông tin, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Bộ Nông nghiệp Mỹ. Và trong thời gian chờ chuyên gia trở lại Việt Nam làm việc, nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện giám sát xử lý vấn đề kiểm dịch để trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường này. Nhờ vậy, việc xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ bình thường trở lại, DN rất vui mừng.

Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM cũng có vệt tin, bài phản biện về việc hạn chế xuất khẩu khẩu trang. Cụ thể, các DN trong nước có thừa năng lực xuất khẩu khẩu trang với khối lượng lớn, trong khi các nước đang rất cần nhập mặt hàng này nhưng vướng về cơ chế nên không xuất khẩu được, nhất là khẩu trang y tế. Điều này gây ách tắc hoạt động xuất khẩu khẩu trang.

Sau khi các thông tin phân tích, phản ánh được đăng tải, các bộ, ngành liên quan đã kiến nghị cho phép DN xuất khẩu khẩu trang không giới hạn, bao gồm cả khẩu trang y tế.

Ông Nguyễn Đình Tùng “đặt hàng” với Pháp Luật TP.HCM: Thời gian tới, DN mong muốn báo có những chuyên đề chuyên sâu về từng lĩnh vực để bạn đọc, người dân hiểu rõ hơn. Cụ thể như câu chuyện hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, EU…, họ bảo quản, bán ra thị trường ra sao, rồi các DN quảng bá, xúc tiến thương mại như thế nào… Qua đó giúp nông dân, công nhân sản xuất hiểu rõ thêm, tự hào hơn về những sản phẩm mình làm ra, cố gắng hơn để có những sản phẩm chất lượng, tăng thương hiệu hàng Việt trên thị trường thế giới.

Phản biện đa chiều, đi vào bản chất

Những phản biện về chính sách, đặc biệt sự bất hợp lý khi đưa ra lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo mà Pháp Luật TP.HCM thông tin, tôi đánh giá là đầy đủ, đặt được vấn đề trong bối cảnh chung. Báo chỉ rõ được nguồn cung trong nước không lo thiếu, vì mỗi năm Việt Nam dư đến 6-7 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Riêng năm nay Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Hơn nữa, vụ thu hoạch chính của ngành lúa gạo Việt Nam là vụ đông xuân vừa qua trúng mùa lớn.

GS VÕ TÒNG XUÂN 

GÓC NHÌN PHÁP LÝ GẦN GŨI, THIẾT THỰC

Ông ĐẬU ANH TUẤNTrưởng ban Pháp chế VCCI:

Mong Pháp Luật TP.HCM đi lên vững chãi và tự tin

Pháp Luật TP.HCM cùng gỡ nút thắt phát triển ảnh 2
 

Là bạn đọc trung thành của Pháp Luật TP.HCM, tôi cảm nhận được sự đi lên vững chãi và tự tin của tờ báo. Khác với rất nhiều báo khác, tin không chỉ là tin, tôi thường tìm thấy trên Pháp Luật TP.HCM một góc nhìn pháp lý rất thú vị.

Ngoài đưa tin, báo đã giúp chuyển tải nhiều kiến thức pháp lý, giúp bổ trợ rất nhiều thông tin và kiến thức pháp luật đến bạn đọc. Có lẽ do thói quen, trước một vụ việc gây tranh cãi, tôi luôn cố tìm đọc cho được bài phân tích sự việc dưới góc nhìn của Pháp Luật TP.HCM. Đây là tờ báo viết những vấn đề pháp luật, pháp lý phức tạp một cách thân thiện nhất, dễ hiểu nhất và thuyết phục nhất.

Tôi biết để có được chất riêng, thương hiệu riêng này không hề dễ dàng, đằng sau đó là chất lượng của đội ngũ PV, biên tập viên của báo, là sự nhiệt tâm và dũng cảm của nhiều thế hệ lãnh đạo báo.

Với chất lượng nội dung đã được khẳng định của mình, tôi tin Pháp Luật TP.HCM sẽ luôn thành công trong kỷ nguyên số sắp tới. Xin chúc mừng tuổi 30 của báo, chúc báo ngày càng tỏa sáng hơn nữa!

Ông Chu Tiến DũngChủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM:

Đẩy mạnh những thông tin pháp lý dành cho DN

Pháp Luật TP.HCM cùng gỡ nút thắt phát triển ảnh 3
 

Pháp Luật TP.HCM đã rất đồng hành cùng DN trong thời gian qua, đặc biệt là kịp thời phản ánh những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN do ảnh hưởng của hai “làn sóng mạnh” liên tiếp của dịch COVID-19. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ nắm rõ hơn về tình hình DN và có những chính sách hỗ trợ, những điều chỉnh để gói hỗ trợ đến tay các DN đang cần sự giúp sức.

Cụ thể là các gói hỗ trợ về tài khóa như giãn nợ, chậm nộp thuế, hay giảm 30% thuế thu nhập DN được đánh giá mang lại hiệu quả thực sự.

Thông tin Pháp Luật TP.HCM rất trách nhiệm, chuẩn mực nên cộng đồng DN rất tin cậy. Mong muốn của hiệp hội cũng như cộng đồng DN là báo sẽ có thêm những bài viết dạng câu chuyện, bài học về pháp lý dành cho DN. Từ đó, báo góp phần giúp DN đưa ra được những mô hình, rút ra những bài học, điều chỉnh cách làm để quản trị tốt hơn, chặt chẽ hơn và đúng quy định.

Ông Nguyễn Tâm TiếnTổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam Group:

Đa dạng, sâu sát, kịp thời

Pháp Luật TP.HCM cùng gỡ nút thắt phát triển ảnh 4
 

Báo Pháp Luật TP.HCM có hệ thống thông tin đa dạng, độc đáo và sâu sát, không chỉ ở góc độ DN, kinh tế, mà còn chú trọng vào những quan tâm nóng hổi của người dân. Báo xây dựng uy tín với độc giả bằng các thông tin rất “đời”, trong khi vẫn đảm bảo thông tin đầy đủ về chính sách, pháp luật và tình hình phát triển của TP và đất nước.

Phải nói rằng ban biên tập và đội ngũ các PV, biên tập viên đã rất linh hoạt, nắm bắt những thay đổi chóng mặt về sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội. Đối diện với thực tế và đòi hỏi của thời đại 4.0, tôi cho rằng báo Pháp Luật TP.HCM cần đầu tư nhiều hơn về các nền tảng để đảm bảo thông tin chính thống của báo sẽ lan tỏa sâu rộng hơn thông qua hình thức thể hiện đa dạng.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện Trung Nam Group, tôi trân quý chúc cho báo ngày càng vững mạnh, luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy của các cơ quan, đơn vị, DN và người đọc trong cả nước.

Ông PHAN ĐỨC TÚChủ tịch HĐQT BIDV:

Liên tục đổi mới

Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Pháp Luật TP.HCM luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động, quyết liệt trong công tác đấu tranh chống tiêu cực, đi đầu trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới người dân, DN. Từ lâu, báo Pháp Luật TP.HCM đã trở thành địa chỉ tin cậy, là món ăn tinh thần không thể thiếu của độc giả TP, cũng như độc giả trong và ngoài nước.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, sự thay đổi thói quen tìm hiểu thông tin của độc giả, Pháp Luật TP.HCM cũng liên tục đổi mới, phát triển cả về nội dung và hình thức. Bên cạnh ấn phẩm in truyền thống, giờ đây ấn bản điện tử và các sản phẩm đa nền tảng khác của báo đã trở thành kênh truyền thông đa phương tiện với các chuyên mục phong phú, cập nhật liên tục.

Đặc biệt, chuyên mục kinh tế luôn phản ánh sinh động bức tranh, nhịp đập của nền kinh tế, trong đó có hoạt động tài chính ngân hàng.

Thay mặt BIDV, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành và kính chúc ban lãnh đạo, các PV, biên tập viên và cán bộ, nhân viên báo Pháp Luật TP.HCM sức khỏe và thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm