Ngày 17-5, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Vũ (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết ông vừa ký công văn gửi Công an TP.HCM đề nghị hỗ trợ thu thập thông tin dân cư phục vụ dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, hiện chưa thực hiện được việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bộ Tư pháp, Bộ Công an cũng chưa có hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Văn Vũ. Ảnh: STP
Để hỗ trợ cho việc cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, Sở Tư pháp hướng dẫn cơ quan đăng ký hộ tịch sau khi thực hiện việc khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại giới tính, xác định lại dân tộc của cá nhân thì gửi một bản sao giấy tờ hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký khai sinh lần đầu cho trẻ em) về công an 21 quận, huyện và Công an TP Thủ Đức.
Đối với những trường hợp giấy tờ cá nhân hoặc giấy khai sinh không có thông tin về ngày, tháng sinh thì cơ quan đăng ký hộ tịch phường, xã, thị trấn tiếp nhận, giải quyết theo quy định của Luật Hộ tịch, Nghị định 123/2015, Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp.
Mặt khác, Sở Tư pháp đề nghị Công an TP xem xét, đối với các trường hợp giấy tờ cá nhân của người dân chỉ có năm sinh khi làm thủ tục cấp căn cước công dân thì không yêu cầu người dân phải đăng ký lại khai sinh.
Cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tra cứu, xác minh (qua tàng thư hồ sơ hộ khẩu, tàng thư căn cước công dân, trao đổi với UBND cấp xã nơi đăng ký khai sinh trước…) để xác định ngày, tháng sinh của công dân đó. Trường hợp tra cứu, xác minh mà không có ngày, tháng sinh thì hướng dẫn cho công dân viết cam đoan nhận ngày, tháng sinh.
(PLO)- Khi nhìn vào số thẻ căn cước công dân của một người sẽ biết được thông tin về nơi công dân đăng ký khai sinh, giới tính và năm sinh.