Tinh thần fair play ‘giết chết’ điểm fair play

Cách tính trên nằm sau hàng loạt hạng mục bao gồm: 1. Tổng điểm, 2. Hiệu số bàn thắng bại, 3. Tổng số bàn thắng. Nếu vẫn bằng nhau sẽ tính tiếp qua đối đầu giữa các đội bằng điểm lần lượt gồm: Tổng điểm, hiệu số bàn thắng bại, tổng số bàn thắng, điểm fair play.

Như vậy để phải phân định bằng điểm fair play như trường hợp Nhật và Senegal (bằng điểm, bằng hiệu số bàn thắng bại, bằng tổng bàn thắng, bằng các chỉ số trong đối đầu) sẽ phải trải qua hàng loạt chỉ số phụ là cực kỳ hiếm.

Trước đây FIFA không đưa chỉ số fair play vào để phân định thứ hạng mà tổ chức theo dạng bốc thăm, tức hoàn toàn may rủi. Và lịch sử World Cup đã có đội được hưởng lợi từ bốc thăm dù hoàn cảnh không nghiệt ngã theo kiểu đi và ở như Nhật và Senegal mà chỉ là phân định ngôi thứ và cùng đi tiếp ở vòng trong.

Đội tuyển Nhật hơn Senegal nhờ ít thẻ phạt hơn nhưng vì quá thực dụng nên bị cổ động viên nhà chỉ trích. Ảnh: GETTY IMAGES

Đó là World Cup 1990 tại Ý, FIFA phải bốc thăm phân định thứ hạng bảng F giữa Hà Lan và Ireland cùng có 3 điểm, cùng ghi được hai bàn thắng, cùng thủng lưới hai bàn và đối đầu hòa nhau 1-1. Lá thăm khi ấy đã đưa Ireland xếp trên vào vòng trong gặp Romania (và thắng), còn Hà Lan xếp dưới gặp Đức (và thua).

Khi FIFA đưa tiêu chí fair play vào xét trong điều lệ phân định thứ hạng đã được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên bởi thang điểm fair play được xem là hợp tình hợp lý hơn là phải bốc thăm may rủi. Tuy nhiên, ngay lần đầu áp dụng thì các đội mà cụ thể hơn là đội Nhật đã quá thực dụng khi tính được ưu thế trong thang điểm fair play của mình. Và thầy trò HLV Akira Nishino đã chọn giải pháp đá cù cưa, đi bộ trong 10 phút cuối để không thua thêm và không nhận thêm thẻ phạt. Cách đá trên bị phản ứng và bị công kích dữ dội vì đội bóng được phân định bằng thang điểm fair play lại chọn lối đá đi ngược với tiêu chí đấy.

Thực chất thì đội Nhật khi ấy có nhiều cửa tính bởi ngoài kiểu đá cù cưa bị lên án ấy, Nhật có thể gồng lên kiếm bàn thắng để hòa với Ba Lan. Tuy nhiên, với phương án 2 thì đó là con dao hai lưỡi bởi Ba Lan không yếu, lại là đội cần một chiến thắng để chia tay giải nên Nhật có thể gồng lên mà không ăn thì có khi bị phản và thua thêm thì phải xách va ly về nước. Ngược lại, Senegal thì chỉ có một cửa tính để đi tiếp là phải ghi một bàn vào lưới Colombia nhưng họ đã không làm được.

Cũng có những phân tích từ các chuyên gia cho rằng cách tính của Nhật cũng rất phiêu lưu vì nếu Senegal mà ghi bàn thì tất cả nỗ lực của Nhật đều đổ sông đổ biển.

Xét cho cùng thì luật nào đưa ra cũng có những chỗ hở và cần phải hoàn thiện. Bản thân FIFA khi đưa tiêu chí điểm fair play vào cũng không lường được cách đá đi ngược với tinh thần fair play nhưng hoàn toàn không cấm được Nhật làm điều đấy.

HLV Akira Nishino nói rằng ông rất hối tiếc khi chọn lối đá đi bộ để giữ tỉ số, không nhận thẻ và vào vòng trong đấy khiến các cổ động viên lên án nhưng ông tin rằng ở hoàn cảnh ấy, nhiều HLV cũng sẽ chọn giải pháp như ông. Thậm chí gồng lên đá mà không thành và bị loại thì chính HLV sẽ phải chịu nhiều chỉ trích, thậm chí bị lên án là đá bóng mà “không biết tính”.

Cá nhân tôi tin rằng FIFA vẫn muốn dùng điểm fair play thay cho việc bốc thăm may rủi phân định. Tuy nhiên, phần điều chỉnh sẽ là làm thế nào để “đời” hơn bằng cách thay cụm từ “điểm fair play” bằng “điểm số dựa trên thẻ phạt, thẻ đỏ”. Điều đó sẽ hợp lý hơn rất nhiều và phù hợp với luật lẫn “đời” hơn là “đẻ ra điểm fair play” rồi lại bị chính tinh thần fair play phản bác tiêu chí của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm