Quy định mới về kê biên tài sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5 tới.

Theo quy định mới, tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, khẩn cấp tạm thời, bảo đảm thi hành án, cưỡng chế thi hành án mà phát sinh các giao dịch liên quan thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án.

Chấp hành viên có văn bản yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.

(Ảnh minh họa)

Trường hợp có giao dịch về tài sản mà người phải thi hành án không sử dụng toàn bộ khoản tiền thu được từ giao dịch đó để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đủ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án thì xử lý như sau:

Trường hợp có giao dịch về tài sản nhưng chưa hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định.

Khi kê biên tài sản, nếu có tranh chấp thì chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật THADS.

Trường hợp cần tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật THADS.

Trường hợp có giao dịch về tài sản nhưng đã hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì chấp hành viên không kê biên tài sản mà thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật THADS.

Đồng thời, chấp hành viên có văn bản thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để phối hợp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp có các giao dịch khác liên quan đến tài sản mà không chuyển giao quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người khác thì chấp hành viên kê biên, xử lý tài sản để thi hành án.

Quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch được thực hiện theo quy định pháp luật về dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản để thi hành nghĩa vụ trả tiền thì chấp hành viên lập biên bản về việc tự nguyện giao tài sản.

Biên bản này là cơ sở để chấp hành viên giao tài sản theo thỏa thuận hoặc tổ chức việc định giá, bán tài sản và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán.

Chi phí định giá, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác do người phải thi hành án chịu.

Trường hợp đương sự tự nguyện giao nhà ở là tài sản duy nhất nhưng số tiền thu được không đủ để thanh toán các nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà ở hoặc tạo lập nơi ở mới thì chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm