Theo lịch thì hai ngày nữa (28-5) TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Cao Minh Huệ (cựu giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương) và hai bị cáo khác về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Khi xét xử tội này, điều quan trọng là các tòa phải chứng minh được động cơ vụ lợi của các bị cáo.
Ba dấu hiệu bắt buộc
Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo quy định của Điều 281 BLHS 1999 thì có ba dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Đó là:
- Động cơ phạm tội (vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác);
- Hành vi vi phạm (lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ);
- Hậu quả (gây thiệt hại cho Nhà nước, xã hội, người khác).
Về hành vi vi phạm và hậu quả, do bị cáo đang không đồng tình với phương thức xác định của tòa sơ thẩm và đã kháng cáo nên cấp phúc thẩm sẽ có trách nhiệm xem xét đúng, sai. Dẫu vậy, có thể thấy việc xác định hai dấu hiệu này trong nhiều vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là không khó.
Hành vi là tất cả hành xử của cá nhân được biểu hiện ra ngoài dưới những hành động nhất định (như bị cáo Cao Minh Huệ trong vụ này đã ký trình ba văn bản lên UBND tỉnh). Hậu quả là những thiệt hại mà con người trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện kỹ thuật có thể xác định được một cách chính xác. Chẳng hạn, trong vụ án này, từ nhiều nguồn khác nhau, án sơ thẩm đã cho ra được số tiền mà Nhà nước bị thiệt hại từ việc những người mua đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tất nhiên, thiệt hại này được xác định có chính xác hay chưa thì còn phải chờ kết quả phiên tòa phúc thẩm sắp tới…
Bị cáo Cao Minh Huệ (phải) cùng các bị cáo cùng vụ tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: BLA
Động cơ vụ lợi: Khi suy đoán thì có thể đúng, có thể sai
Riêng đối với dấu hiệu động cơ phạm tội, do là thứ nằm ở bên trong thúc đẩy việc phạm tội nên không phải dễ xác định. Nếu từ các hành vi sai mà suy đoán ngay là vì vụ lợi để cho là đã có đủ ba dấu hiệu bắt buộc thì có thể dẫn đến việc buộc tội khiên cưỡng, vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.
Trong việc bị cáo Huệ ký ba văn bản đề xuất, án sơ thẩm cho là bị cáo làm vậy nhằm để vợ và hai con được cấp sổ đỏ trên 10 ha/người mà vẫn đảm bảo hạn mức giao đất nông nghiệp. Án này cũng đồng thời ghi nhận ý kiến kết luận của nhiều cơ quan trong các kết luận giám định (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT) rằng: Vì vụ lợi mà bị cáo đã làm như vậy.
Cần lưu ý là các đề xuất của bị cáo Huệ không đơn lẻ mà là một phần trong chuỗi hành động của nhiều cơ quan chức năng khác (như Sở Tài chính - Vật giá, Sở NN&PTNT…) để UBND tỉnh lần lượt xem xét, quyết định theo trình tự trước, sau các việc có liên quan đến số diện tích đất của Công ty Sobexco.
Các tờ trình của bị cáo Huệ đều có nêu nhiều căn cứ pháp lý (theo nhận định của bị cáo) và thực tiễn để UBND xem xét, giải quyết chung cho tất cả người mua đất theo sự chấp thuận trước đó của UBND tỉnh. Có hai trong các lý do mà bị cáo đề xuất tăng hạn mức giao đất nông nghiệp là: Bộ Tài chính đã chậm ban hành giá thuê đất nông nghiệp; tỉnh đã có cả ngàn trang trại và tiếp tục muốn phát triển kinh tế trang trại.
Từ trước đến nay, có nhiều trường hợp cán bộ tham mưu sai do không nắm hết các quy định hoặc do hiểu sai, áp dụng sai quy định chứ không phải cái sai nào cũng có yếu tố vụ lợi. Do vậy, khi không có chứng cứ khác nên dấu hiệu vụ lợi trong vụ án đang được xác định theo phân tích thì vì sao chỉ cho là “vì quyền lợi của gia đình mà bị cáo đã tham mưu sai” mà không là một lý giải khác có thể phù hợp hơn?
Bởi lẽ theo chức trách, ngay cả khi không có người thân mua đất thì bị cáo vẫn phải tham mưu theo nội dung giao việc của UBND tỉnh và khi tham mưu cho cái chung thì nhu cầu riêng của gia đình bị cáo cũng được giải quyết theo. Điều này rất dễ được nhận ra khi thông báo ngày 20-8-2001 của UBND tỉnh có ghi nhận ý kiến chỉ đạo của một phó chủ tịch tỉnh về hạn mức đất nông nghiệp của tỉnh nên bị cáo phải có nghĩa vụ thừa hành, phải nộp tờ trình chi tiết vào gần một tháng sau.
Thêm một thông tin về vai trò của bị cáo cần được tòa án cấp phúc thẩm xem xét thêm: Hành vi đệ trình văn bản của bị cáo không trực tiếp gây ra hậu quả. Phải từ các quyết định chính thức của UBND tỉnh thì mới có việc cấp sổ đỏ theo hạn mức mới và kéo theo đó mới có thiệt hại.
Cùng chờ cấp phúc thẩm có những phán quyết thuyết phục để vụ án được giải quyết toàn diện, chính xác hơn. Theo đó, việc hủy án để điều tra lại nhiều nội dung, trong đó có sự xác định thêm những người phải cùng chịu trách nhiệm với các bị cáo vì đã ký ban hành nhiều quyết định có liên quan cũng là một phương án cần được tính đến.
Dấu hiệu bắt buộc nhưng lại khó chứng minh Trong luật hình sự, động cơ phạm tội rất ít được phản ánh trong cấu thành tội phạm với ý nghĩa định tội. Với động cơ phạm tội là vụ lợi, chỉ có ít tội như tội sử dụng trái phép tài sản hay tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ mới đòi hỏi dấu hiệu động cơ vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc. Về nguyên tắc, để chứng minh các tội phạm đó, các cơ quan tố tụng cần phải chứng minh khi thực hiện hành vi phạm tội thì người phạm tội đã vì vụ lợi hay có động cơ cá nhân khác. Vì động cơ vụ lợi nằm ở trong đầu của người phạm tội và không phải trường hợp nào cũng được bộc lộ qua các chứng cứ có liên quan nên việc chứng minh động cơ vụ lợi là rất khó. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp sai phạm liên quan đến đất đai, khi không điều tra được sự vụ lợi cụ thể thì tội danh bị truy cứu là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai; tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí… Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Bị cáo Cao Minh Huệ: ‘Tôi thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh’ Cáo trạng của VKSND Tối cao, quan điểm luận tội của đại diện VKS và nhận định của TAND tỉnh Bình Dương (vào tháng 5-2019) có nêu các thông tin về hành vi vi phạm của bị cáo Cao Minh Huệ. Theo đó, khi là giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương, bị cáo Huệ bị cho là đã có sai phạm liên quan đến 658 ha vườn cao su của một doanh nghiệp nhà nước (Công ty Chế biến cây công, nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Bình Dương, tên giao dịch là Sobexco). Năm 2000, 2002, do hoạt động không hiệu quả, bị nợ nần, phải giải thể và không thể bán đấu giá vườn cao su, Công ty Sobexco đã được UBND tỉnh cho phép chia nhỏ vườn trên để bán cho nhiều người. Theo cáo buộc, với Luật Đất đai 1993 (đã được sửa đổi, bổ sung) và nghị định hướng dẫn có hiệu lực lúc đó, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng đất. Dẫu pháp luật đã quy định vậy và dẫu phải biết giá bán vườn cao su không có tính giá trị đất, người mua vườn cây phải thuê đất nhưng bị cáo Huệ vẫn gửi hai tờ trình về việc cấp sổ đỏ cho người mua. Chi tiết hơn, bị cáo Huệ đã đề xuất UBND tỉnh thu hồi diện tích đất vườn từ Công ty Sobexco để giao cho UBND huyện Bến Cát cấp sổ đỏ cho người mua và UBND tỉnh đã đồng ý. Ngoài ra, năm 2001, bị cáo Huệ còn đệ trình UBND tỉnh tăng hạn mức giao đất nông nghiệp trên địa bàn (đối với đất trồng cây lâu năm ở một số xã, tăng từ 10 ha thành 30 ha/hộ) và UBND tỉnh cũng chấp thuận. Trên các cơ sở đó, 70 người mua đất (có vợ và hai con của bị cáo Huệ đã mua trên 10 ha/người) đã được hai bị cáo khác trong vụ án (thuộc Phòng NN&PTNT huyện Bến Cát) hướng dẫn làm thủ tục cấp sổ đỏ không đúng quy định. Sau nữa, khi 658 ha đất trên bị thu hồi để một công ty thực hiện dự án thuộc khu công nghiệp thì nhiều người được UBND huyện cấp sổ đỏ không đúng quy định đó đã được bồi thường đất. Theo cơ quan tố tụng, trong việc các bị cáo để những người mua không đủ điều kiện được cấp sổ đỏ, ngân sách nhà nước bị thiệt hại hơn 131 tỉ đồng. Từ các nhận định nêu trên, án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương cho rằng vì động cơ vụ lợi mà bị cáo Huệ đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, bị cáo đã đệ trình nhiều văn bản tham mưu trái với quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn luật. Hành vi này của bị cáo đã khiến UBND tỉnh ban hành các văn bản không đúng trong việc bán vườn cây cao su và cấp sổ đỏ cho các hộ dân dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước. Tòa sơ thẩm đã tuyên bị cáo Huệ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (theo khoản 3 Điều 281 BLHS 1999). Cùng với việc xử phạt 12 năm tù, tòa còn buộc bị cáo Huệ và hai bị cáo khác phải liên đới bồi thường gần 233 triệu đồng. Bị cáo Huệ kháng cáo, cho rằng mình đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương lúc đó và cho là mình bị buộc tội oan. HỮU DUYÊN |