Mới đây, trên Cổng thông tin điện tử của Công an TP.HCM công bố danh sách các xe vi phạm luật giao thông đã bị camera của lực lượng CSGT ghi hình lại, trong đó có nhiều xe vi phạm hàng chục lần nhưng vẫn chưa đóng phạt.
Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng PC67 trả lời về vấn đề "phạt nguội". Ảnh: L.THOA
Theo đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ; dừng, đậu xe ở nơi cấm, đi sai làn đường… Rất nhiều tài xế giật mình khi phát hiện ô tô của mình vi phạm hàng chục lỗi với số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng; trong khi chưa nhận bất cứ thông báo vi phạm nào trước đó.
Trước những thông tin này, ngày 12-10, Trung tá Huỳnh Trung Phong -Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đã có những giải đáp cho các tài xế và người dân.
Trung tá Huỳnh Trung Phong khẳng định danh sách đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Công an TP.HCM chỉ là thông báo cho người dân biết rằng biển số xe đó, thời gian đó đã vi phạm lỗi đó nhưng chưa xác định được ai là người vi phạm và quyết định xử phạt vi phạm sẽ dành cho ai.
Trung tá Phong phân tích: Hệ thống camera của lực lượng CSGT đã ghi hình những trường hợp vi phạm. Sau khi đã ba lần gửi thông báo vi phạm về cho chủ phương tiện mà chủ xe không lên phối hợp thì sẽ đưa thông tin, dữ liệu này lên Cổng thông tin điện tử Công an TP.
Do đó khi nhận được thông tin này, chủ xe có trách nhiệm thông báo cho người vi phạm, trường hợp chưa biết người vi phạm thời điểm đó là ai thì có thể liên hệ với Phòng PC67 để được cung cấp hình ảnh, ngày giờ, vị trí… mà CSGT nắm được nhằm để chủ xe xác nhận ai là người điều khiển.
Lực lượng CSGT TP.HCM có phương tiện ghi hình vi phạm, sau đó gửi thông báo về cho chủ xe. Ảnh: L.THOA
“Sau khi xác định ai là người vi phạm vào thời điểm đó thì mới tiến hành thiết lập biên bản vi phạm hành chính đối với người đó, chứ không phải chủ xe là người đóng hết” - Trung tá khẳng định và cho rằng quan trọng là phải xác định người điều khiển xe vi phạm.
Trưởng phòng CSGT cũng cho biết: Trong quá trình thực hiện, có trường hợp một xe taxi vi phạm năm lần, khi phối hợp chủ doanh nghiệp thì xác định không phải chỉ có một người điều khiển mà là nhiều người điều khiển; thì khi lập biên bản vi phạm hành chính thì lập đối với từng người vi phạm và từng hành vi vi phạm.
“Sẽ có trường hợp lập biên bản đối với người chủ xe trong trường hợp chủ xe chính là người điều khiển xe vi phạm lúc đó. Còn các trường hợp khác chủ xe chỉ phối hợp để tìm người vi phạm” - vị trưởng phòng nhấn mạnh.
Lý giải vì sao thông báo vi phạm không đến tay chủ xe nên họ phát hoảng khi thấy “list” vi phạm của mình trên Cổng thông tin điện tử Công an TP, Trung tá Huỳnh Trung Phong thông tin: Có thể người chủ không tiến hành sang tên nên không xác định được chủ xe cũ; một số chuyển nhà đi nơi khác, đi nước ngoài,... công tác thì thư báo không đến được. Cá biệt có trường hợp chủ xe nhận được thông báo của cơ quan chức năng nhưng không thực hiện công tác phối hợp.
Trung tá Phong nhấn mạnh: “Khi mình là chủ xe, dù giao cho người khác, cho mượn hay cho thuê thì mình vẫn là người chủ xe. Do đó mình vẫn phải có trách nhiệm biết được người điều khiển xe vi phạm là ai”.