Không có quốc gia nào phát triển kinh doanh, dịch vụ mà không tự hào với sản phẩm mình làm ra và dựa vào sự ủng hộ của người dân đối với những sản phẩm này. Vì vậy, phải xác định đây là cuộc vận động lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai”. Đó là ý kiến nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ năm 2011 của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vào sáng 7-6.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay tỉ lệ nhập siêu hằng năm của Việt Nam rất lớn, nhất là nhập máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu. Hiện lượng hàng hóa trong nước chỉ đáp ứng 73% nhu cầu về thức ăn chăn nuôi, 70% nhu cầu phân bón, 41,3% nhu cầu về thép, 30% nhu cầu về vải, 60% nhu cầu về sợi, 59% nhu cầu về giấy… Vì vậy, tiềm năng cho phát triển các ngành sản xuất trong nước là rất lớn. Để cuộc vận động hiệu quả, thiết thực, một mặt chúng ta kêu gọi người Việt dùng hàng Việt nhưng một mặt phải yêu cầu sản xuất đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Theo ý kiến phản ánh của nhiều địa phương, khó khăn hiện nay của hàng Việt chính là tình trạng thật giả lẫn lộn của các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu. Nhất là đối với các trị trường giáp vùng biên giới, hàng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường.
Bà Nông Thị Lâm, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lạng Sơn, nêu lên tình trạng hàng hóa Trung Quốc đang ngập tràn các chợ của tỉnh. Mặc dù từ khi thực hiện cuộc vận động, đưa các phiên chợ hàng Việt đến với người dân, người dân đã biết đến hàng Việt nhiều hơn nhưng hiện tại các sản phẩm trong nước giá thành vẫn còn cao, chưa phù hợp với túi tiền của người dân.
“Muốn người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chúng ta phải quản lý, chăm lo sản xuất hàng Việt tốt hơn và đưa hàng Việt tiếp cận người dân vùng nông thôn nhiều hơn. Đó là phương cách giành lại thị trường hàng Việt” - bà Vũ Thị Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho hay Bộ vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng phê duyệt quyết định ban hành chương trình hành động quốc gia phát triển sản xuất hàng công nghiệp thay thế hàng công nghiệp nhập khẩu. Từ đó các bộ, ngành cùng các doanh nghiệp sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, tài chính, bảo hộ… để phát triển sản xuất hàng công nghiệp nhiều hơn, đa dạng hơn thay thế các mặt hàng nhập khẩu hiện nay.
T.HẰNG