Gần đây các phi công đã được tập huấn thông qua một thử nghiệm mô phỏng tái tạo khoảnh khắc cuối cùng của phi công trên chiếc máy bay 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air gặp nạn trên biển Java ngay sau khi cất cánh ít phút vào tháng 10-2018.
Qua buổi thử nghiệm, các phi công nhận thấy họ chỉ có 40 giây để xử lý hệ thống tự động của Boeing 737 MAX 8 để máy bay không bị rơi, báo Daily Mail đưa tin.
Máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air gặp ti nạn hồi tháng 10 năm 2018, cũng bị nghi ngờ có trục trặc với hệ thống MCAS. Ảnh: REUTER
Hiện vẫn chưa có kết luận cụ thể nào về nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn của hãng hàng không Lion Air và vụ tai nạn của hãng Ethiopian Airlines xảy ra đầu tháng này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chính hệ thống tự động, được gọi là MCAS khiến máy bay tự điều chỉnh độ chúi đã gây nên hai thảm họa kể trên, khiến 346 người thiệt mang.
Cụ thể, cảm biến MCAS của Boeing 737 MAX 8 trục trặc dẫn đến việc máy bay tự động kích hoạt phần mềm được thiết kế để ngăn chặn máy chếch mũi lên quá cao.
Hệ thống MCAS trục trặc dẫn đến việc tự động kích hoạt phần mềm chặn máy chếch mũi lên quá cao, khiến máy bay liên tục chúi mũi xuống đến khi xảy ra sự cố. Ảnh: DAILY MAIL
Trong những bài thử nghiệm mới đây, các phi công nhận ra họ chỉ có chưa đầy 40 giây để vô hiệu hóa hệ thống tự động, giành lại quyền kiểm soát máy bay, tránh nguy cơ máy bay chúi mũi xuống nếu sự cố xảy ra.
Theo lý thuyết, nếu gặp sự cố tương tự, phi công có thể đảo ngược tình huống bằng một công tắc ở phía bên trái. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể trì hoãn sự cố chỉ trong vài phút.
Để vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống, phi công cần dùng đến hai công tắc khác giúp ngắt dòng điện tới mô tơ đang khiến máy bay chúc mũi xuống. Trên thực tế, báo cáo được đăng trên tờ The Times, cho thấy các phi công và phi hành đoàn của chuyến bay Lion Air thậm chí không biết về hệ thống này.
Sau thảm họa đầu tiên, các phi công Mỹ đã gặp các giám đốc điều hành của Boeing tại Texas, yêu cầu được biết tại sao nhà sản xuất không nói với họ về phần mềm mới này. Họ cũng đặt câu hỏi liệu một khóa học rút gọn dài 56 phút trên ipad về dòng máy bay MAX liệu đã đủ chưa.
Theo hai phi công tham gia thử nghiệm với hệ thống mô phỏng, chính các phi công tham gia đợt thử nghiệm này cũng không hoàn toàn hiểu về hệ thống MCAS cho đến khi họ sử dụng hệ thống mô phỏng.
Vụ tai nạn hàng không của Ethiopian Airlines nghi cũng gặp sự cố tương tự . Ảnh: REUTERS
Sau vụ tai nạn thứ hai xảy ra cùng với dòng máy bay 737 MAX, hơn 50 quốc gia trên thế giới đã hạ cánh hoặc ngừng đóng cửa không phận với máy bay Boeing MAX để chờ kết quả điều tra do lo ngại về vấn đề an toàn.
Về phía Boeing, theo báo Seatle Times, Boeing đã gần hoàn tất cập nhật phần mềm cho dòng máy bay này với sự tham gia của hơn 200 phi công và các chuyên gia máy bay hàng đầu.
Theo một kỹ sư, việc nâng cấp một chiếc 737 MAX riêng lẻ với phần mềm mới của Boeing chỉ mất khoảng một giờ trên mỗi máy bay. Tuy nhiên, việc sửa lỗi phần mềm MAX này phải được các chính phủ trên thế giới chấp thuận.
Chi tiết dòng máy bay Boeing 737 MAX, được cho là mới và tiên tiến nhất của Boeing. Ảnh: BOEING
Ngoài ra, các phi công Mỹ cũng sẽ phải hoàn thành khóa đào tạo phần mềm cập nhật mới trên máy tính đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phê duyệt và sau đó là một bài kiểm tra bắt buộc. Nhưng một số phi công cho rằng những văn bản hướng dẫn mang tính chất lý thuyết như vậy là chưa đủ.
Được biết, cuộc điều tra về hai vụ tai nạn vẫn đang được tiến hành, nhưng một báo cáo sơ bộ về một vụ tai nạn mới đây của hãng Ethiopian Airlines sẽ rất có thể được công bố trong tuần này, Bộ Giao thông Vận tải Ethiopia cho biết hôm 26-3.
Được biết, 737 MAX là dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing, với các đơn đặt hàng trị giá hơn 500 tỷ USD theo giá niêm yết. Trong vòng chưa đầy một tuần sau vụ tai nạn ở Ethiopia, các máy bay dòng này đều phải hạ cánh trên toàn cầu. Các nhà điều tra người Ethiopia và Pháp cũng đã chỉ ra "sự tương đồng rõ ràng" giữa hai vụ tai nạn, gây áp lực lên các cơ quan quản lý của Boeing và Mỹ để đưa ra cách khắc phục thỏa đáng. |