Như báo Nhật Bản đưa tin một chiếc máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Narita (Tokyo, Nhật Bản), ngày 26-12, đã hạ cánh trong tình trạng rạn nứt cửa kính buồng lái.
Sau sự cố, tối 28-12, chiếc máy bay này đã khởi hành từ sân bay Narita về sân bay Nội Bài.
Trước đó, chuyến bay chở 94 hành khách và phi hành hoàn đoàn khi đang bay ở độ cao 12.300 m, cách đảo Tokunoshima (tỉnh Kagoshima) khoảng 50 km về phía đông, kính cửa sổ buồng lái bị rạn nứt.
Sau khi máy bay hạ cánh, đường băng sân bay đã đóng cửa trong 3 phút để kiểm tra an toàn và không phát hiện bất thường.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, nguyên nhân có thể do gió, chênh lệch áp suất quá lớn khiến nứt bề mặt kính buồng lái. Theo đó, khi máy bay hạ cánh an toàn, hãng đưa thợ kỹ thuật và phụ tùng từ Việt Nam sang thay thế, máy bay đã bay về nước an toàn. “Khách bị ảnh hưởng đã được hãng phục vụ trên các chuyến bay khác bình thường”- đại diện hãng chia sẻ.
Một chuyên gia hàng hàng không đánh giá sự cố này là sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn. Vị chuyên gia giải thích, kính máy bay có nhiều lớp bằng vật liệu siêu nhẹ và cứng. Quan sát cho thấy sự cố nêu trên kính vỡ lớp bên ngoài.
Về sự cố nứt kính buồng lái, chia sẻ với PLO, một giáo viên, phi công máy bay thân rộng Airbus A350 có hơn 12.000 giờ bay, phân tích kính máy bay được làm bằng nhiều lớp, mắt thường nhìn chỉ thấy trong suốt nhưng thực chất có nhiều lớp ghép vào nhau. Đặc biệt giữa các lớp có hệ thống mạch điện để sưởi kính.
Vị phi công giải thích thêm, khi lên độ cao 10.000 m nhiệt độ bên ngoài âm 50C, còn trong buồng lái vẫn giữ nhiệt độ ổn định, do vậy luồng khí nóng và lạnh gặp nhau sẽ khiến kính có tỉ lệ co giãn tự nhiên phá vỡ cấu trúc dẫn đến rạn nứt, dù kính được làm bằng vật liệu và tôi luyện ở nhiệt độ đặc biệt.
Hàng không Việt Nam ghi nhận trong vòng 30 năm lại đây, đã xảy ra 3-4 vụ co giãn làm nứt kính buồng lái, tuy nhiên các sự cố này chưa gây nguy hiểm cho khách và phi hành đoàn. “Quy trình đào tạo, phi công được huấn luyện giữ bình tình, đeo dây an toàn khi xuất hiện vết nứt ở kính buồng lái” - giáo viên phi công chia sẻ.
Hàng không thế giới cũng ghi nhận cách đây khoảng 50 năm tại Mỹ, đã chứng kiến vụ thủng kính buồng lái khiến phi công chính bị hút ra ngoài, phi công phụ vừa điều khiển máy bay vừa giữ chân phi công chính. Phi công phụ đã kêu gọi tiếp viên vào ứng cứu giữ chân phi công đưa vào buồng lái. Sự cố này khiến phi công chính bị thương nặng, viên phi công này giải nghệ.