“Nếu TP.HCM không thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy (gọi tắt là phí xe máy) hoặc thu với mức 0 đồng thì người dân đều không phải đóng phí. Nhưng giữa hai phương án này sẽ có sự khác biệt” - ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT, nhận định trong báo cáo gửi UBND TP.HCM.
Ảnh hưởng các tỉnh, thành khác
Theo báo cáo của Sở GTVT, việc không thu phí xe máy sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước giảm nhiều thủ tục, công việc phải thực hiện; hạn chế phát sinh bộ máy quản lý tại các quận/huyện, phường/xã, đồng thời không gây ảnh hưởng đến người dân. Nhưng nếu không thu phí xe máy thì TP phải xin ý kiến của trung ương, vì đây là quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Nếu HĐND TP quy định mức thu là 0 đồng cũng dẫn đến một số bất cập, bởi khi đó UBND TP vẫn phải có trách nhiệm tổ chức thu phí theo mức phí 0 đồng. Các phường, xã, thị trấn vẫn phải thực hiện nhiều công việc như thực hiện kê khai (theo mẫu của Bộ Tài chính), mua biên lai của chi cục thuế; phát biên lai thu phí (ghi mệnh giá 0 đồng), quyết toán với cơ quan thuế…
Tờ thông báo kê khai thu phí xe máy và tờ biên lai thu phí đường bộ của một cá nhân tại quận 9, TP.HCM. Ảnh: CTV
“Khi thu 0 đồng thì nguồn thu không có song các xã, phường, thị trấn phải tốn nhiều chi phí cho việc tập huấn, triển khai kê khai, phát-thu biên lai (dự kiến chi phí mua biên lai khoảng 995 triệu đồng/năm), quyết toán thuế. Ngoài ra, quy định hiện nay không buộc xe biển số ở địa phương nào phải nộp ở địa bàn đó. Do đó nếu TP.HCM thu 0 đồng thì xe từ các tỉnh, thành khác sẽ đổ về TP kê khai. Điều này làm tăng khối lượng công việc tại các xã, phường, thị trấn, đồng thời làm ảnh hưởng đến nguồn thu của 62 tỉnh, thành còn lại” - Sở GTVT nhận định.
Thu đến cuối năm rồi dừng?
Theo Quỹ Bảo trì đường bộ TP, từ đầu tháng 7-2015 các phường, xã, thị trấn đã khai, lập, phê duyệt danh sách và thông báo cho người dân bắt đầu đóng phí. “Nhưng tới nay hầu hết địa phương chưa thu phí, trừ quận 9 đã thu từ đầu tháng 6-2015. Theo quận 9, trong gần một tháng họ đã thu được 12.920 xe (đạt khoảng 29,5% tổng số xe đã kê khai là 43.785 chiếc) với tổng số tiền gần 1,16 tỉ đồng. Tuy vậy, việc thu phí chỉ thực hiện được đối với chủ xe có nhu cầu hoặc tự giác nộp, trong khi đa số người dân lại chưa đồng tình.
“Số tiền thu được trong giờ hành chính rất ít do UBND các phường không có cán bộ phụ trách thu và người dân phải đi làm. Còn việc thu ngoài giờ lại phát sinh nhiều phức tạp trong quản lý, cất giữ tiền thu được. Do vậy, UBND quận 9 kiến nghị thu phí thông qua xăng dầu” - đại diện Quỹ bảo trì đường bộ TP nói.
Vị này nhận định phí xe máy lần đầu được áp dụng, hầu hết địa phương chưa có kinh nghiệm nên khi thu sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc như quận 9 đã nêu. Đặc biệt, tỉ lệ thu được phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện của người dân nên số phí thu được khó đạt theo kế hoạch.
Tuy vậy, theo Sở GTVT, việc thu phí là thực hiện theo quy định hiện hành, qua đó giúp ngân sách TP có thêm nguồn thu (được khoảng 271 tỉ đồng nếu thu được 100% xe đã kê khai). Ngoài ra, hiện nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã thu nên việc TP tiếp tục thu phí là phù hợp. “Do vậy đề nghị TP tiếp tục thu phí xe máy đến cuối năm 2015, sau đó sẽ phân tích, đánh giá kết quả đạt được rồi đề xuất UBND TP kiến nghị trung ương không thu chứ không nên đề xuất mức thu 0 đồng” - Sở GTVT kiến nghị.
Mức thu phí xe máy ở TP.HCM (đã được HĐND TP thông qua và UBND TP ra quyết định) dao động từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/xe/năm (tùy theo dung tích xi lanh). Theo Sở GTVT, số xe máy trên địa bàn TP tính đến cuối năm 2014 là 6.853.500 chiếc. Nếu thu được toàn bộ thì tổng số tiền đạt được là 307 tỉ đồng/năm. Trừ chi phí để lại cho các đơn vị thu (36 tỉ đồng) thì nguồn cho phí bảo trì được khoảng 271 tỉ đồng/năm. |