Tạp chí AFC (LĐBĐ châu Á) cũng đưa hình ảnh Quyến và đội U-16 Việt Nam lên những trang chính và kỳ vọng vào “thần đồng” tuổi 16 được ví như Maradona của Việt Nam. Năm đấy Quyến để lại ấn tượng đậm với bàn thắng vào lưới U-16 Trung Quốc mở đầu cho cuộc lội ngược dòng thắng 3-2 và loại Trung Quốc khỏi giải đấu châu Á.
Một năm sau thì Quyến lên đội tuyển và vi phạm kỷ luật rồi liên tục vào, ra đội tuyển và vướng vào những scandal vì không giữ mình được trong môi trường nhiều cạm bẫy.
2. Khi Quyến nhận giải cầu thủ trẻ U-16 xuất sắc nhất châu Á thì ở huyện nghèo Đô Lương (Nghệ An), cậu bé Nguyễn Công Phượng mới tròn năm tuổi. Cái tuổi mà ông Bảy - cha Phượng nói là con mình bắt đầu mê đá bóng và suốt ngày đến lớp với quả bóng rơm quấn lá chuối từ đấy.
14 năm sau thì Công Phượng làm nức lòng người hâm mộ và dậy sóng sân Mỹ Đình trong cơn sốt U-19 với bàn thắng ngoạn mục vào lưới U-19 Úc.
Tôi còn nhớ khi khánh thành Học viện HAGL - Arsenal JMG năm 2007 và đài truyền hình có phỏng vấn cậu bé loắt choắt đen nhẻm đến từ Nghệ An thì em bé này trả lời: “Thần tượng của cháu là anh Văn Quyến, anh Công Vinh…”. Cậu bé đấy sau này còn thú nhận là khi còn chơi quả bóng rơm thì đã mong được vào lò bóng đá xứ Nghệ và được như các đàn anh xứ Nghệ chơi bóng.
3. Quyến và Phượng có chung một hoàn cảnh xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo mong có cái ăn, cái mặc và muốn thỏa mãn đam mê bóng đá của con cũng là cơ hội để đổi đời.
Ngày báo chí săn tìm Quyến ở huyện nghèo Hưng Nguyên, mẹ Niềm của Quyến còn lam lũ nói con đá bóng giỏi là cơ hội đổi đời cho thằng bé bám mặt với ruộng đồng và với con trâu ngoài đồng. Chưa đầy bốn năm sau thì người mẹ đấy than thở: “Giá mà nó đừng làm cầu thủ, đừng lên đội tuyển, đừng…”.
Phượng bây giờ tất cả mới bắt đầu và còn cả một tương lai phía sau sau một bàn thắng cùng những lời ca tụng. Phượng đã đổi đời từ khi bước lên Hàm Rồng tham gia lò đào tạo HAGL - Arsenal JMG sau khi cha mẹ em phải bán hai tạ lúa và hai con heo lấy tiền làm lộ phí đưa em “đi thi”. Phượng bây giờ sắp “ra trường” và bước vào môi trường chuyên nghiệp khác xa với cảnh ăn, tập cùng các anh, các bạn và thầy “Giôm” như một gia đình thân thiện, trong sáng. Nói như nhiều người là ở đấy Phượng cùng các đồng đội được phủ một lớp “antivirus” nên ngả rẽ của Phượng sẽ khác xa với hoàn cảnh Quyến học nhanh và theo nhanh các anh lớn. Dù sao thì vẫn cứ hy vọng “ra đời” Phượng vẫn tiếp tục phát huy những phẩm chất của mình và không bị vấp ngã như đàn anh mà Phượng từng “thần tượng”.
Để bóng đá Việt Nam đừng mất những tài năng, những “thần đồng” như đã từng kỳ vọng rồi từng mất…
NGUYỄN NGUYÊN