Tết đang đến thật gần, nhà nhà chuẩn bị đón xuân sum họp, hào hứng với bao kế hoạch nhưng vợ chồng anh chị lại ra tòa ly hôn. Nguyên nhân không có gì to tát, chỉ là những tổn thương từ lời ăn tiếng nói trong sinh hoạt vợ chồng nhưng chị lại cương quyết chia ly.
Gia đình anh chị khá sung túc sau hơn chục năm từ tay trắng cùng nhau gánh vác, tạo dựng. Ngoài tài sản quý giá là hai đứa con, anh chị còn có ít của để dành là dãy nhà trọ cho thuê. Chị vốn đảm đang nên bỏ thêm chút vốn mở quán nước ngay đó để kiếm thêm thu nhập. Đời sống gia đình ngày càng sung túc.
Cứ tưởng hạnh phúc đó vuông tròn nhưng ngờ đâu nó dễ bị phá hỏng chỉ bởi những lời nói. Nói trước tòa trong ấm ức, chị kể nhiều năm qua anh không đi làm, chỉ ở nhà nhưng không hề biết chia sẻ với vợ. Vất vả với việc lo trong lo ngoài, có giai đoạn chị rơi vào trạng thái mất ngủ triền miên.
Chia sẻ với anh, anh không những không tin mà còn đay nghiến, thậm chí còn tuyên bố không chi tiền chữa bệnh. Sự tổn thương lớn dần theo ngày tháng, anh mỉa mai mỗi khi chị tiếp khách, bạn bè ở quán nước. Chị tự đi chữa bệnh, tập yoga để “thương lấy thân mình”, cải thiện sức khỏe. Tuy vậy, anh lại rêu rao rằng chị bị bệnh nặng. “Chịu sao nổi, vợ chồng phải yêu thương, cùng nhau chia sẻ nhưng chồng vậy thì có cũng như không. Tôi muốn nuôi hai con, không còn cần anh trong cuộc sống này” - chị nhấn mạnh.
Là người kháng cáo, muốn được hàn gắn nhưng anh lại đổ lỗi cho chị. Anh nói: “Từ khi đi tập yoga, cô bắt đầu mơ tưởng đâu đâu. Muốn ly dị để đi nước ngoài thì có, chứ tôi ngày ngày phụ giúp buôn bán, quản lý nhà trọ chứ không phải ăn không ngồi rồi”.
Chị tiếp tục bức xúc: “Anh ta thường chửi bới, đuổi tôi ra khỏi nhà, giấu tiền bạc... Tôi không nể trọng mà coi thường một người chồng như thế”.
Câu chuyện cứ lời qua tiếng lại với anh chị khiến mọi người mệt mỏi vì không thấy được tiếng nói chung nào. Phiên tòa căng thẳng, chủ tọa quyết định cho tạm dừng sau khi đã khéo léo nhắc anh chị hãy vì tương lai con trẻ.
Nóng giận mất khôn, anh chị cũng không thể tự mở nút thắt cho cuộc hôn nhân của mình. Với kinh nghiệm nhiều năm chuyên giải quyết án ly hôn, các thẩm phán nhận thấy trong gia đình thường người đàn ông giữ vai trò trụ cột nhưng gia đình này người chồng có phần yếu thế. Có lẽ vì thế anh phản ứng tiêu cực nhằm che lấp điểm yếu.
Trở lại phiên tòa, thẩm phán nhấn ngay vào điểm yếu của anh mà phân tích cái lý, cái tình. Tòa phân tích: “Không ai tự nhiên đạp đổ tổ ấm của mình nếu không có nguyên do. Rạn nứt đã có trong đời sống vợ chồng là do anh. Nếu anh thật lòng muốn hàn gắn, anh cần dùng hành động thuyết phục chị buông bỏ những tổn thương trước đó để cùng anh làm lại từ đầu. Dù không cố ý nhưng lời nói của anh đã đụng đến lòng tự trọng của chị...”.
Lúc này, anh cúi đầu nhận lỗi: “Trong thời gian qua tôi đã có những lời lẽ không đúng. Tôi xin nhận lỗi và rút kinh nghiệm, mong cô ấy thông cảm và hiểu cho tôi”.
Chị cũng dịu đi, thôi trả treo, nhiếc móc nữa.
Cuối cùng, tòa tuyên sửa án sơ thẩm, cho gia đình anh chị thêm một cơ hội hàn gắn.
Phiên xử cuối năm vừa tuyên, mọi người đều cảm thấy nhẹ lòng. Một mái ấm suýt vỡ tan giờ lại tròn đầy. Tết này, hai đứa con của họ sẽ lại giòn tan tiếng nói cười.
Để có được kết quả như trên, người thẩm phán phải có cái tâm, có đủ sự trải nghiệm để nắm bắt tâm lý các đương sự nhằm khơi gợi, hòa giải một cách tế nhị, khéo léo. Bởi khi xử án ly hôn, người cầm cân nảy mực nào cũng thường nghĩ về mái ấm gia đình mình để cố gắng hàn gắn hạnh phúc đang rạn vỡ của hai bên đương sự.