Chiều 30-6, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An và TP Cần Thơ về tình hình thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc làm việc với các tỉnh, thành chiều 30-6 tại TP Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM
Cần Thơ: Giải ngân vốn ODA đạt 4,29%
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết tổng nguồn vốn nước ngoài thực hiện trong năm 2020 của TP Cần Thơ là gần 3.000 tỉ đồng, bố trí cho 6 dự án.
6 dự án gồm: dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, BV Ung bướu TP Cần Thơ quy mô 500 giường, chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ, kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó với biến đổi khí hậu, cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020 và Kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn. Đến ngày 22-6, giá trị giải ngân các nguồn vốn nước ngoài là hơn 128 tỉ đồng, đạt 4,29% kế hoạch.
Theo ông Dũng, các khó khăn của dự án sử dụng nguốn vốn ODA là kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng rất nhiều so với cơ sở trước đây. Các dự án liên quan việc giải phóng mặt bằng (GPMB) rất nhiều hộ dân dẫn tới việc giải quyết tái định cư, GPMB gặp nhiều khó khăn, da beo, có lúc không triển khai được…
Dự án BV Ung bướu TP Cần Thơ đang triển khai thực hiện. Ảnh: TN
Trước các khó khăn trên, UBND TP đã có nhiều cuộc họp và giao cho một phó chủ tịch UBND TP giải quyết tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để lđẩy nhanh tiến độ. TP cũng bố trí nguồn kinh phí đầu tư 6 khu tái định cư để giải quyết tái định cư cho người dân.
UBND TP Cần Thơ nêu một số đề xuất liên quan đến việc thực hiện các dự án nêu trên. Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025, TP đề xuất nguồn vốn ODA cho các dự án mới như BV Tim mạch Cần Thơ quy mô 200 giường, BV Da liễu TP Cần Thơ, Cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Cần Thơ, Đầu tư trang thiết bị cho vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hỏi lãnh đạo TP Cần Thơ cam kết đến cuối năm sẽ giải ngân được bao nhiêu vốn ODA trong tổng số vốn thực hiện trong năm 2020 nêu trên? Về việc này, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh nêu lại chi tiết tiến độ thực hiện thực tế của các dự án và cho biết đến cuối năm TP cố gắng giải ngân được khoảng 2.100 tỉ đồng.
Không dùng vốn ODA để GPMB
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các tỉnh, thành phải quyết tâm hơn nữa trong việc giải ngân vốn ODA.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TT
Theo Phó Thủ tướng, một số đề nghị của các địa phương đã được các bộ ngành nêu ý kiến giải thích. Vấn đề vướng mắc cơ bản là GPMB nhưng GPMB là công việc của các tỉnh, không thể sử dụng vốn ODA cho GPMB. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các tỉnh, TP phải hết sức lưu ý vấn đề này, phải huy động mọi nguồn lực để GPMB cho các dự án ODA.
Đối với việc kéo dài dự án từ năm 2020 sang giai đoạn sau. Phó Thủ tướng cho rằng việc điều chuyển dự án sang giai đoạn 2021-2025 là có thể nhưng lưu ý khi điều chuyển như vậy thì những dự án trong giai đoạn 2021-2025 của các địa phương sẽ giảm đi.
“Qua đây rút ra kinh nghiệm, khi xây dựng các dự án mới, chúng ta hết sức chú ý. Đây cũng là kinh nghiệm các tổ chức cho ta vay, đó là phải chuẩn bị sẵn mặt bằng chứ không đến khi vay xong, ký kết xong mới bắt đầu triển khai GPMB. Việc này làm cho nguồn vốn vay thực sự đắt hơn rất nhiều vì kéo dài thực hiện các dự án thì cũng kéo dài tính hiệu quả, làm cho tính hiệu quả của các dự án kém đi vì chúng ta phải trả lãi suất cao hơn…”- Phó Thủ tướng lưu ý.
Đề xuất ghi vốn trung hạn cho nhiều dự án giao thông lớn của Miền Tây Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đề xuất Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các Bộ Tài chính, KH&ĐT quan tâm đầu tư thêm một số dự án giao thông trọng điểm của vùng. Theo ông Nhật, vùng Tây Nam Bộ có nhiều sông rạch nên làm giao thông ở đây nền đất rất yếu, nguyên vật liệu trong vùng không có nên rất phức tạp. Ông đề nghị Phó Thủ tướng ủng hộ để đẩy một số vấn đề về giao thông còn lại đang phải làm cho Tây Nam Bộ. Cụ thể, theo ông Nhật, khu vực này còn cầu Đại Ngãi nằm trên tuyến Quốc lộ 60 qua các tỉnh nghèo nhất, Bạc Liêu, Sóc Trăng Trà Vinh, Bến Tre. Dọc tuyến này đi TP.HCM đều phải chạy theo Quốc lộ 1. Ông Nhật đề nghị sớm triển khai dự án cầu này. Dự án thứ hai là thuộc dự án kết nối Mekong từ Kiên Giang lên tới Đức Hòa. Theo đó, từ Kiên Giang lên Cần Thơ (có tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tháng 9-2020 hoàn thành), cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh đã làm xong nhưng đoạn Quốc lộ 30 qua Đồng Tháp chưa đồng bộ nên đường tới Tiền Giang bị tắc nghẽn. Mà đường này theo thiết kế thông tới Đức Hòa (Long An) và Củ Chi (TP.HCM). Dự án kết nối của khu vực này có đoạn Mỹ An – Cao Lãnh, nối với Quốc lộ 60, N2 thông lên tận Củ Chi. Nếu hoàn thành, đây sẽ là tuyến vận chuyển của Tứ Giác Long Xuyên – khu vực phía Tây của 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ông Nhật đề nghị Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT ủng hộ. Dự án có 194 triệu USD, có 6 hợp phần thì đã làm được 3 hợp phần, còn lại cuốn chiếu dần dần. Ba là dự án liên quan đến dự án vành đai logistic phía Nam đã làm. Sau khi kết cấu hạ tầng xong thì phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải thủy của 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ kết nối với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tổng mức đầu tư khoảng 249 triệu USD. Thứ trưởng Nhật đề nghị Bộ KH&ĐT và Tài chính đưa các dự án trên vào kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025. Ông cho rằng, nếu xử lý được các dự án này thì cơ bản giao thông Tây Nam Bộ hoàn thành… “Cầu Mỹ Thuận 2 đã khởi công và được Chính phủ giao năm 2023 xong. Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thủ tướng giao 2021-2022 xong. Năm 2023 sẽ thông tuyến cao tốc từ TP.HCM xuống Cần Thơ bằng cao tốc” - ông Nhật cho hay. |