Vụ án Tô Hoài Dân Cà Mau:

Phó tổng giám đốc Tô Công Lý bị đề nghị 12-13 năm tù

(PLO)- Cùng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Tô Công Lý bị đề nghị 12-13 năm tù; còn bị cáo Dân và Đam mỗi bị cáo bị đề nghị 7-8 năm tù.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-3, phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tô Hoài Dân (ông chủ điện gió và nhà máy rác ở Cà Mau, Bạc Liêu) bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.

Ba bị cáo trong vụ án là bị cáo Tô Hoài Dân; Tô Công Lý (con trai lớn của bị cáo Dân) và Nguyễn Bá Đam, nhân viên của công ty Công Lý.

công lý
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TRẦN VŨ

Được VKSND Tối cao ủy quyền giữ quyền công tố tại tòa, đại diện VKSND tỉnh Cà Mau đã đề nghị mức án với các bị cáo. Theo đó, cùng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Lý bị đề nghị 12-13 năm tù; hai bị cáo Dân và Đam mỗi bị cáo bị đề nghị 7-8 năm tù.

Theo cáo trạng, từ năm 2009-2012, ba bị cáo đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ trong lĩnh vực môi trường, lập hai hồ sơ khống để lừa đảo, lấy 7,3 tỉ đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Theo cáo trạng, công ty TNHH xây dựng - thương mại - Du lịch Công Lý (công ty Công Lý) do bị cáo Dân làm chủ, được tỉnh Cà Mau cấp giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau vào cuối năm 2008.

Đến ngày 14-1-2009, Thủ tướng ban hành Nghị định 04/2009 về ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó, có nội dung hỗ trợ 50% giá trị đầu tư đối với cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung, tương tự mô hình nhà máy rác của công ty Công Lý.

Lợi dụng chính sách này, từ năm 2009-2012, bị cáo Lý, Phó Tổng giám đốc công ty Công Lý, đã lập khống hồ sơ xây dựng hai hạng mục công trình tại nhà máy rác TP Cà Mau, với giá trị hơn 14,6 tỉ đồng.

Theo quy định được hỗ trợ 50%, bị cáo Lý đã dùng hồ sơ này đề xuất hỗ trợ. Sau đó được tỉnh Cà Mau chấp nhận, giải ngân cho Lý hưởng hơn 7,3 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định, hai bị cáo Dân và Đam đã giúp sức cho Lý hoàn tất các hồ sơ khống này, do đó, cũng bị khởi tố cùng tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại ngày xét xử đầu tiên, ở phần xét hỏi, cả ba bị cáo đã phản cung cho rằng không có việc lập hồ sơ khống hai hạng mục công trình để lấy tiền của Nhà nước như cáo buộc của VKS.

Lý giải vì sao thay đổi lời khai tại tòa, hai bị cáo Dân và Lý cho rằng do lúc đầu khi vụ án mới xảy ra, tinh thần bất ổn, lo sợ và thiếu hồ sơ trong tay, nên mới khai như vậy. Còn bị cáo Đam thì cho biết do bị cán bộ lấy lời khai dụ cung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm