Phòng, chống tham nhũng: Chú trọng vai trò nêu gương của người đứng đầu

(PLO)- Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh đề xuất thực hiện thêm ba giải pháp về phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng vai trò của người đứng đầu cơ quan trong phòng, chống tham nhũng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-11, Quốc hội (QH) thảo luận về các báo cáo công tác của TAND Tối cao, VKSND Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023.

Đã thu hồi hơn 20.405 tỉ đồng tiền tham nhũng

Liên quan đến công tác PCTN, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết trong năm qua đã có 7.072 cuộc kiểm tra, phát hiện 331 vụ việc và 624 người vi phạm (tăng 16% số vụ vi phạm so với năm 2022). Trong các vụ việc có 55 người là cấp trưởng, cấp phó của các đơn vị đã được kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 13 người trong số đó đã bị xử lý hình sự, 42 người bị xử lý kỷ luật. Với các vụ án tham nhũng, cơ quan thi hành án đã thi hành xong 2.264 vụ, thu hồi hơn 20.405 tỉ đồng.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: Trong kỳ có 60.458 người đã kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

phòng chống tham nhũng
Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh đề nghị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý nhằm góp phần hạn chế tham nhũng. Ảnh: QH

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng một số hạn chế đã tồn tại kéo dài nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, như việc bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những vướng mắc. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế...

Những con cá to “lọt lưới”

Tại phiên thảo luận, ngoài chín giải pháp PCTN của Chính phủ đã nêu, đại biểu (ĐB) QH Bố Thị Xuân Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) đề xuất thực hiện thêm ba giải pháp khác, trong đó chú trọng đến vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong PCTN.

ĐB Linh đánh giá: Thực tiễn đã chỉ ra rằng ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác PCTN, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại.

Đặc biệt, ĐB Linh đề nghị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống cho người lao động, cán bộ, công chức để hạn chế tham nhũng, “phấn đấu để cho họ chủ yếu bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội”.

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) quan tâm đến tội phạm tham nhũng có chức vụ tăng cả về số vụ và số người, trong đó tội nhận hối lộ tăng 346%. Các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng cầm đầu mặc dù đã được ngăn chặn kịp thời nhưng vẫn còn “lọt lưới” những con cá to trốn khỏi đất nước, chưa bắt giữ được, gây khó khăn cho công tác tố tụng. Tài sản tham nhũng được thu hồi cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.

“Các quy định về nêu gương, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với công việc của mình, cũng như quy định về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là tín hiệu mừng, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Tin rằng thời gian tới có sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm trên tất cả lĩnh vực” - ông Hòa nói.

Tham nhũng xảy ra ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, câu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền…

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN.

LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, phát biểu tại phiên thảo luận

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm