Sáng 28-11, TAND quận Ba Đình (Hà Nội) mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thế Hiệp (75 tuổi) về tội vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy. Bị cáo Hiệp, còn gọi là Hiệp “khùng”, được nhiều người biết đến khi sở hữu dãy phòng trọ “giá rẻ nhất Hà Nội” – chỉ 15.000 đồng/người/đêm.
Đáng chú ý, tại phiên xử, 2/3 luật sư của ông Hiệp từ chối tham gia xét hỏi vì cho rằng các tài liệu liên quan vụ án chưa được cơ quan điều tra giải mật. Các luật sư đề nghị HĐXX giải mật các tài liệu này để đảm bảo quyền lợi cho thân chủ.
Bị cáo Hiệp "khùng" tại phiên tòa ngày 28-11. Ảnh: UYÊN TRANG |
Giải thích về đề nghị trên, chủ tọa cho rằng tòa không phải đơn vị đóng dấu mật hồ sơ. Theo đúng chức trách nhiệm vụ, tòa đã chuyển công văn đề nghị giải mật tới cơ quan điều tra nhưng đến nay chưa có công văn giải mật. Nếu có ý kiến khác, luật sư và bị cáo có quyền kháng cáo và gửi các kiến nghị bằng văn bản. Vì vậy, tòa tiếp tục xét xử.
Vậy quy định pháp luật cũng như thực tiễn xét xử về việc này ra sao?
Theo luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM), tòa án đã xác định đúng về thủ tục tố tụng, khi tài liệu mật không được giải mật thì căn cứ hồ sơ vụ án để xét xử. Nếu đương sự không đồng ý thì có thể kháng cáo. Trong trường hợp này, các luật sư không nên từ chối tiến trình tố tụng tại phiên tòa.
Về tình huống pháp lý này, luật sư Vũ Phi Long cho rằng đã từng xảy ra tại nhiều vụ án. Như vụ án xét xử ông Nguyễn Hữu Tín cùng đồng phạm liên quan đến việc giao đất ở số 15 Thi Sách (vụ án này khi luật sư kiến nghị giải mật một số văn bản, tài liệu có trong hồ sơ, chủ tọa phiên tòa vẫn tiếp tục xét xử và cho biết quá trình xét xử, tòa sẽ tiếp tục kiến nghị giải mật các văn bản mật và tối mật - PV).
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) thì cho rằng đối với các tài liệu mật, xác định độ mật của tài liệu theo quy định của Luật Bí mật nhà nước 2018. Cạnh đó, tính chất mật của tài liệu cũng có thời hạn nhất định, tức có những tài liệu sau một thời gian sẽ tự giải mật.
Tuy nhiên, theo luật sư Vinh, trong một vụ án, nếu như tài liệu mật quyết định đến việc xác định tội danh của bị cáo, là căn cứ để buộc tội bị cáo thì cần phải được giải mật trước khi đưa ra xét xử. Có như vậy thì bị cáo cũng như luật sư của bị cáo mới có thể đưa ra các lập luận để bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của bị cáo. Nếu HĐXX chưa thể công khai các tài liệu mật vì chưa được giải mật thì cần phải nêu rõ lý do cũng như căn cứ pháp lý.
Riêng đối với tình huống các luật sư từ chối tham gia xét hỏi của vụ án nêu trên, luật sư Vinh cho rằng luật sư không nên từ chối tham gia xét hỏi. Bởi lẽ việc từ chối này sẽ khiến luật sư đánh mất đi quyền được tham gia xét hỏi, quyền được đặt ra các câu hỏi để bảo vệ tốt nhất cho thân chủ của mình. Trong trường hợp này, luật sư vẫn có thể tiếp tục tham gia xét hỏi, đặt ra các câu hỏi có thể liên quan đến việc cần giải mật các tài liệu để cho thấy phải giải mật mới làm rõ được sự thật khách quan của vụ án.
Trong khi đó, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) thì cho rằng tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án là để chứng minh sự thật khách quan của vụ án. Do đó, cần phải giải mật để các chủ thể như luật sư, bị cáo biết được mà bào chữa.