TP.HCM: Cấp thiết gỡ vướng về bồi thường, giải phóng mặt bằng

(PLO)- Theo báo cáo của Sở TN&MT, trong năm 2022, tổng số dự án dự kiến BTHTTĐC là 319 dự án. Trong đó, những dự án có quy mô thu hồi đất lớn, tổng chi phí đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lâu nay, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) luôn là điểm nghẽn rất lớn trong việc triển khai thực hiện các dự án, kể cả dự án công lẫn dự án tư.

Đa số các dự án chậm triển khai đều do vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Có thể thấy Luật Đất đai qua các thời kỳ đã ngày càng hoàn thiện về mặt pháp lý để công tác BTHTTĐC diễn ra thuận lợi hơn. Các lần sửa đổi chính sách đã diễn ra theo hướng có lợi hơn cho người dân có đất bị thu hồi.

Hiện nay, Luật Đất đai 2013 đang trong quá trình chuẩn bị sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2024. Theo đó, trên tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, các chính sách liên quan đến BTHTTĐC cũng được Trung ương đặc biệt quan tâm. Cuộc sống, nơi ở, sinh kế của người dân ngày càng được đặt lên vị trí trung tâm khi thực hiện thu hồi đất làm dự án.

Hiện TP.HCM có hàng trăm dự án đang “xếp hàng” chờ và cần nguồn vốn rất lớn để thực hiện. Theo báo cáo của Sở TN&MT, trong năm 2022, tổng số dự án dự kiến BTHTTĐC là 319 dự án. Trong đó, những dự án có quy mô thu hồi đất lớn, tổng chi phí đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng.

Năm nay, TP được trung ương giao 70.000 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện các dự án đầu tư công, gần gấp đôi năm ngoái, tuy nhiên để giải ngân được hết khoản ngân sách này cũng không phải dễ.

Theo Sở TN&MT, cuối tháng 3-2023, TP có 197 dự án được ghi vốn bồi thường trong năm 2022 với tổng số vốn hơn 12.000 tỉ đồng. Hiện đã giải ngân 80,56%, thực chi đạt tỉ lệ 60,89%. Đến nay, TP có 108 dự án được ghi vốn bồi thường trong năm 2023 với tổng số vốn hơn 17.500 tỉ đồng, hiện tỉ lệ giải ngân còn rất thấp.

Chính quyền TP đang dốc toàn bộ sức lực, tâm huyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Để làm được điều này, cần phải gỡ thêm những chính sách liên quan đến BTHTTĐC. Việc TP đề xuất hoán đổi tỉ lệ bồi thường để tạo thuận lợi cho việc triển khai dự án, người dân và Nhà nước đều có lợi. Đề xuất này không phải là “khơi khơi” mà dựa trên thực tế trước đây TP đã từng thực hiện thành công nội dung này tại nhiều dự án.

TP.HCM cũng đã đề nghị sửa đổi điều này trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng nếu chờ đến khi Luật Đất đai mới được thông qua thì còn phải mất một năm nữa. Trong khi chờ đợi, TP mong muốn được thí điểm làm trước. Bởi mới đây, Sở TN&MT thống kê trong 20 nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai thì đa số đều có liên quan đến vấn đề BTHTTĐC. Nếu được bổ sung một phương án để thực hiện bồi thường, hẳn sẽ gỡ bớt khó khăn cho TP trong quá trình triển khai dự án, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm