Ngày 6-12, kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc.
Trình 10 nội dung liên quan Nghị quyết 98
Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP xem xét 47 tờ trình, trong đó có 10 nội dung liên quan đến các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
Ông Hoan cũng thông tin UBND TP.HCM đã thống nhất xây dựng chủ đề năm 2024 là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”.
Tại phiên thảo luận tổ, góp ý về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu (ĐB) Tăng Hữu Phong cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều điểm đáng lo ngại, tình hình tội phạm về ma túy ngày càng gia tăng.
Ông Phong cũng cho rằng công tác chuyển đổi số của TP.HCM chưa có chuyển biến mạnh mẽ, dù TP đã nỗ lực rất nhiều. Nhất là hiện nay, TP chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu dùng chung, chưa thấy được kết quả cụ thể như thế nào.
ĐB Lê Thị Ngọc Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Sở GTVT TP.HCM, nêu ý kiến về việc thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công. Theo bà Thanh, tỉ lệ giải ngân đầu tư công của TP.HCM hiện mới đạt 45%.
Một số chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2024
- TP.HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) 7,5%-8%.
- Phấn đấu đạt 297 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi).
- Đưa vào hoạt động ba bệnh viện cửa ngõ gồm Hóc Môn, Thủ Đức và Củ Chi; đạt tỉ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân…
- Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
- Đóng góp của kinh tế số trong GRDP TP đạt 22%.
- Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.
“Có nhiều dự án chờ hoài không thực hiện. Nếu dự án không đạt thì các sở đã nhìn nhận thế nào về nguyên nhân?” - bà nói và đề cập đến các nguyên nhân gây nghẽn về giải ngân đầu tư công, trong đó có sự phối hợp giữa các sở, ngành.
Về quy hoạch, bà Thanh cho biết có những tuyến đường hẻm rất nhỏ, tuyến hẻm không thông, hẻm cụt cũng quy hoạch rộng 15-30 m, rồi kéo dài 15-20 năm không thực hiện. Từ đó, ĐB này đề xuất rà soát công tác quy hoạch toàn TP, đánh giá xem quy hoạch nào trên 20 năm chưa thực hiện, không khả thi để điều chỉnh.
Cán bộ cơ sở đang quá tải
Các ĐB cũng đã thảo luận, có nhiều ý kiến kỳ vọng chính quyền TP sớm bổ sung biên chế cho cấp cơ sở. Đây cũng là một trong các nội dung nhận được nhiều ý kiến tại các kỳ họp trước.
ĐB Nguyễn Thị Kim Dung cho hay đội ngũ cán bộ của TP hiện vừa phải xử lý công việc tồn đọng, vừa thực hiện những nhiệm vụ mới. Trong khi đó, dân số TP.HCM ngày càng tăng thêm nhưng biên chế lại giảm đi khiến cán bộ ngày càng áp lực.
ĐB mong TP.HCM tiếp tục đeo bám, có kiến nghị với Bộ Nội vụ để tăng thêm biên chế cho TP. Đồng thời, vận dụng các cơ chế theo Nghị quyết 98 để bổ sung, tăng số lượng cán bộ cho các sở, ngành và địa phương tùy theo tính chất địa bàn, dân số…
Còn ĐB Huỳnh Khắc Điệp bày tỏ kỳ vọng về việc giảm tải áp lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31, đã quy định HĐND TP được xem xét quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tùy vào quy mô dân số, đặc điểm kinh tế, địa bàn. Nghị quyết 98 cũng quy định rõ nội dung này.
Sau đó, HĐND TP.HCM đã ban hành nghị quyết liên quan, quy định việc tăng phó chủ tịch và cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã trên 50.000 dân. Người dân TP đã rất phấn khởi với quy định này.
Theo đề án của UBND TP, đến ngày 1-12 phải triển khai xong nội dung nêu trên nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong do TP chưa có đề án chính thức về việc tăng biên chế. ĐB Điệp nhìn nhận TP.HCM có chủ động tăng biên chế được thì mới bổ nhiệm được cán bộ nhưng hiện nay theo quy định của Chính phủ thì TP.HCM không còn biên chế để phân bổ nữa.
“Tôi tha thiết mong UBND TP sớm cụ thể hóa nội dung này để làm sao sớm bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã đông dân, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị” - ĐB Điệp nói thêm.
Đang chờ ý kiến Bộ Chính trị
Trao đổi với ĐB, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết UBND TP đã có kế hoạch bổ sung phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, ba huyện và phó chủ tịch, cán bộ, công chức các phường, xã, thị trấn có 50.000 dân trở lên.
Tuy nhiên, mới đây Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM đã có báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP về việc này. Vừa qua, thực hiện Nghị quyết 98, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết 80 về cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn.
Bà Thắm lý giải thực hiện Nghị quyết 131/2020 về chính quyền đô thị, công chức của 249 phường tại TP đều thành công chức hành chính. Do đó, thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM phải bổ sung 7.005 biên chế, bao gồm việc bổ sung phó chủ tịch tại các phường, xã từ 50.000 dân trở lên. Trong khi đó, hiện TP.HCM có 3.725 biên chế công chức tại 249 phường, tương ứng 15 biên chế/phường.
Do đó, Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM đã kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP báo cáo Ban Tổ chức Trung ương sớm giao biên chế năm 2024 của TP để TP bổ sung biên chế cho các phường, xã đông dân.
Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết vẫn phải chờ Bộ Chính trị bổ sung biên chế xong mới triển khai được.
Xem xét nhiều chính sách, mở ra nhiều cơ hội mới cho TP.HCM
Tại kỳ họp, UBND TP đã trình HĐND TP một số nội dung quan trọng khác nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98. Theo đó, TP.HCM muốn thu hút chuyên gia, nhà khoa học với mức thu nhập hơn 1,4 tỉ đồng/người/năm. TP.HCM cũng đề xuất hỗ trợ về thu nhập bằng bốn lần mức lương tối thiểu vùng đối với cán bộ khoa học trẻ có trình độ tiến sĩ và tương đương cùng với nhà khoa học trẻ tài năng…
TP cũng trình HĐND TP xem xét ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với 41 dự án. Trong đó, 12 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, sáu dự án lĩnh vực y tế, 23 dự án thuộc lĩnh vực thể thao - văn hóa.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này sẽ đóng vai trò quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều năm tới.
Qua đó, giúp cho HĐND TP có cơ sở thông qua những nghị quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật, khả năng thực thi cao, sát với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng những kỳ vọng của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cũng như niềm tin của đồng bào, cử tri TP.
***********
Lấy phiếu tín nhiệm giúp cán bộ tự soi mình
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X vào sáng 6-12, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND bầu. Ông nhìn nhận đây là cơ sở xác thực góp phần quan trọng để cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ.
Do đó, việc này cần bảo đảm khách quan, công tâm, công khai, minh bạch đối với những đồng chí, những người mình đã giao nhiệm vụ, xem xét phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của người được giao trách nhiệm.
“Đây là dịp để từng người tự soi mình, đối chiếu lại những việc mình đã hứa trước HĐND khi nhận nhiệm vụ, xem mình thực hiện đến đâu, nguyên nhân và phấn đấu nâng cao hiệu suất công việc. Đồng thời, xây dựng chương trình hành động từ nay đến cuối nhiệm kỳ để hoàn thành chức trách được giao” - ông Nên nói.
Cũng theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, đây là kỳ họp thường lệ cuối năm nhưng khối lượng công việc lớn, trong đó có nhiều nội dung quan trọng cần HĐND TP xem xét, quyết định.
Điểm lại một số tình hình, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá HĐND TP và UBND TP đã chủ động, nghiêm túc và kịp thời triển khai các chủ trương, nghị quyết với tinh thần năng động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và phối hợp hành động.
Toàn hệ thống đã đồng tâm hiệp lực vượt qua những khó khăn, nhất là những lúc cao điểm của việc triển khai, thực hiện các kế hoạch đề ra ở sáu tháng cuối năm, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công…
Đi đôi với đó là tổ chức, giám sát thực thi nhiều việc để đảm bảo quyền lợi của người dân. Kiểm tra giám sát việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công tại các dự án có hiệu quả, tránh rủi ro, tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như đường vành đai 3, nút giao thông An Phú, nút giao thông Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng Quốc lộ 50…
Giải ngân đầu tư công đã có bước cải thiện rõ nét. Nhiều công trình ngừng thi công nhiều năm đã tái khởi động, hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu Vàm Sát 2, cầu Long Kiểng…
Nhấn mạnh năm 2024 là năm quan trọng, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu toàn hệ thống cố gắng phấn đấu thực hiện các nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ TP đã đề ra. “Chúng ta phải tận dụng tối đa thời cơ, thích ứng linh hoạt, khắc phục hạn chế bất cập và dự lường những rủi ro xảy ra để thực hiện mong muốn đưa con tàu vượt chướng ngại vật và tăng tốc” - ông Nên nói.
NHÓM PV
**********
Cử tri mong TP.HCM xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo
Sáng 6-12, tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến đã có báo cáo tổng hợp các ý kiến của cử tri TP.HCM.
Bà Trần Kim Yến cho biết năm 2023 TP.HCM đã đạt được một số thành tựu nhất định, đặc biệt là khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Trong bối cảnh đó, cử tri kỳ vọng TP.HCM sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân để xây dựng và phát triển TP, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Cử tri TP cũng đồng thuận với việc thực hiện sắp xếp khu phố, ấp; đồng thời bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước những biến động giá cả thị trường, lo ngại trước tình trạng giả mạo người và giấy tờ, các ứng dụng cho vay tiền, lo lắng trước tình hình thiếu vật tư, trang thiết bị y tế...
Một bộ phận cử tri đang quan tâm, lo ngại về tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm nên không hoặc chậm tham mưu giải quyết công việc. Một số dự án lớn, trọng điểm kéo dài gây lãng phí cơ hội, nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư...
Thông tin về kiến nghị của cử tri gửi đến lãnh đạo TP.HCM, bà Trần Kim Yến cho hay cử tri TP mong muốn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã được thực hiện hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các hoạt động, đặc biệt là việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan.
Cử tri cũng đồng tình, ủng hộ, tin tưởng vào quyết tâm của TP về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và mong TP.HCM tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu.
“Cử tri rất phấn khởi và đồng thuận với chủ trương thực hiện đầu tư dự án đường vành đai 3 cũng như quyết tâm của TP đối với các dự án trọng điểm” - bà Yến nói và cho hay cử tri mong TP.HCM quan tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc liên quan các dự án đã triển khai thực hiện. Trong đó có dự án khu đô thị Thủ Thiêm, các dự án tại khu Nam, khu Tây Bắc, dự án chống ngập ngăn triều 10.000 tỉ đồng, dự án tuyến metro số 2, các dự án nhà ở…
Người dân và doanh nghiệp cũng kiến nghị chính quyền TP.HCM đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo; xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh... NHÓM PHÓNG VIÊN