Chiều 6-12, kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khoá X tiến hành phiên thảo luận tổ.
Tại phiên thảo luận, "con đường tử thần" Nguyễn Duy Trinh tại TP.HCM đã được các đại biểu (ĐB) đưa ra bàn luận.
Chưa đến 2 km nhưng thường xuyên xảy ra tai nạn
ĐB Nguyễn Thị Hồng Nhung, TP Thủ Đức, cho biết đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến cầu Ông Nhiêu chưa đến 2 km nhưng là đoạn đường nguy hiểm với lượng xe container đông, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông rất đau lòng.
“Đường rộng 7 m nhưng container chen lấn đi là hết rồi” – ĐB Nhung phản ánh và đặt câu hỏi về tiến độ đầu tư, mở rộng đoạn đường này đến đâu.
ĐB Cao Thanh Bình nhìn nhận đường Nguyễn Duy Trinh đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư nhưng đến nay đây vẫn là điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn chết người.
Ông Bình cho rằng đoạn đường này cần được quy hoạch lại cho phù hợp, tách riêng làn đường dành cho ô tô, xe máy, container, xe tải…
Trao đổi với ĐB, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An cho biết đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến cầu Ông Nhiêu đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 nhưng giờ mới đang làm thiết kế bản vẽ thi công.
Ông An cũng cho biết nguồn vốn đầu tư công trung hạn đến năm 2025 mới bố trí cho dự án này 1,5 tỉ đồng, đã được dùng hết và chưa thực hiện triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thời gian qua, Sở GTVT cùng TP Thủ Đức đã tăng cường hệ thống biển báo, vạch sơn, tuần tra hàng ngày, cấm xe tải trên 5 tấn đi vào tuyến đường từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm.
Dự án này do Ban Quản lý các công trình giao thông TP làm chủ đầu tư, sẽ có báo cáo chi tiết về dự án cho các ĐB HĐND TP.
Từng con đường, cây cầu đều nằm trong quy hoạch
Phó Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Hòa An cũng thông tin về việc phát triển phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn là tất yếu, bức thiết, nhất là đối với siêu đô thị như TP.HCM.
Tính đến thời điểm này, TP.HCM đang quản lý hơn 9 triệu phương tiện, trong đó có 8 triệu mô tô, hơn 900.000 ô tô, tính luôn lượng phương tiện của các tỉnh xung quanh qua lại TP thì có khoảng 12 triệu.
“Nếu đem hết 12 triệu phương tiện này xếp ra đường thì phải cần gấp 2,5 lần diện tích mặt đường TP mới xếp đủ” – ông An nói và cho biết qua sơ kết ba năm thực hiện đề án giảm phương tiện cá nhân, nhiều chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn, người dân vẫn muốn sử dụng xe hai bánh.
Do đó, để hình thành ý thức cho người dân, ngoài tuyên truyền cũng cần có chế tài, nghiên cứu thu phí nội đô, hạn chế khí thải của xe hai bánh.
Cũng theo ông An, việc phát triển giao thông công cộng là điều mà TP đang hướng đến, vấn đề là làm sao gấp rút đầu tư hệ thống đường sá.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết quy hoạch giao thông TP.HCM đến 2020, tầm nhìn 2025 mới chỉ đạt 38% vào năm 2020.
“Từng con đường, cái cầu mà ĐB phản ánh đều hoàn toàn nằm trong quy hoạch nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc ngân sách không đảm bảo nên quy hoạch giao thông năm 2020 chưa đạt được” - ông An nói thêm.
Băn khoăn khi kiểm tra cồn "cả ngày lẫn đêm"
ĐB Lê Minh Đức, quận 4, cho biết vừa qua CSGT TP.HCM ra quân kiểm soát nồng độ cồn được đa số người dân đồng tình nhưng cũng có người lo lắng vì phương án kiểm tra cồn của lực lượng chức năng.
Theo ĐB Đức, cử tri cho rằng việc kiểm soát nồng độ cồn “cả ngày lẫn đêm” thay vì chỉ ban đêm như trước đây gây xáo trộn cuộc sống của người dân.
“Có người tối tiệc tùng đến sáng ra vẫn còn nồng độ cồn trong máu, dù tỉnh táo, đủ năng lực lái xe đi làm” – ĐB Đức nói người dân băn khoăn và mong muốn có sự tuyên truyền, hướng dẫn rõ ràng để người dân hiểu biết khi tham gia giao thông.