Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khoá X tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường. Tại phiên này, lãnh đạo các sở, ngành TP đã có thông tin về các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách.
Tại phiên thảo luận trước đó, các đại biểu nêu thực trạng một số quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch lộ giới đường, hẻm không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn đến không thực hiện được. Các đại biểu kiến nghị TP sớm rà soát để phát hiện nhanh các quy hoạch không khả thi và có điều chỉnh kịp thời.
Muốn thu hút đầu tư, nhưng vướng quy hoạch
Thảo luận thêm, đại biểu Trần Văn Khuyên, Bí thư huyện Hóc Môn, nói hiện việc giải phóng mặt bằng hay đầu tư các dự án đều vướng quy hoạch.
"Quy hoạch hiện nay không mang lại sự phát triển mà còn mang đến sự khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là đời sống người dân" - Bí thư huyện Hóc Môn nói.
Ông lấy thực tiễn ngay tại địa phương và nói đến nay đã hơn ba năm, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện, địa phương có kêu gọi đầu tư vào 23 dự án trên địa bàn. Sau đó, có hơn 30 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhưng hiện đang vướng về quy hoạch. Vì vậy, nếu không sớm hoàn thành quy hoạch sẽ khó để thu hút đầu tư.
"Đến nay vẫn chưa nghe vấn đề TP điều chỉnh quy hoạch trong khi đã gần hết nhiệm kỳ" - ông Khuyên nói và mong sớm hoàn thành điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Quy hoạch còn nhiều điểm chưa phù hợp
Trong khi đó, Giám đốc Sở QH&KT TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết giai đoạn 2012-2013 có khoảng 600 đồ án quy hoạch phân khu. Các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết của TP chưa có tính khả thi cao, việc bố trí chức năng chưa thực sự phù hợp.
Ông cũng nói nguyên nhân của tình trạng này là do số lượng quy hoạch phân khu lớn với khoảng 600 đồ án, tồn tại nhiều năm.
Cách làm quy hoạch thời điểm đó còn hạn chế khi áp dụng các quy định, nguyên lý quy hoạch đã định ra, xem xét quỹ đất công, quỹ đất sẵn có bố trí theo cự ly quy tắc phạm vi phục vụ, đã có nhiều chỗ trùng với nhà dân.
Sở đang tập trung điều chỉnh quy hoạch chung của TP, định ra được những cấu trúc không gian, tìm những động lực phát triển bền vững hơn, phân bố dân số phù hợp hơn.
Đồng thời, rà soát lại các vướng mắc cần giải quyết để phát triển đa trung tâm, không dồn nén vào trung tâm, cải thiện chỉ tiêu cây xanh, giao thông, giáo dục, y tế công cộng tăng tính khả thi, không để gặp bất cập hạn chế đồ án.
“Mong đại biểu chia sẻ và cảm ơn người dân đã chịu đựng những hậu quả của quy hoạch thời gian qua. TP đang xem xét khắc phục những hạn chế này. Sở đang thực hiện đến giai đoạn giữa kỳ của đồ án quy hoạch chung, có thể tháng tới sẽ hoàn thành trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng phê duyệt” - ông Nguyễn Thanh Nhã nói.
Dự kiến quý I- 2024, Sở QH&KT TP.HCM sẽ rà soát điều chỉnh quy hoạch phân khu.
TP.HCM còn 17.000 tỉ đồng khó giải ngân
Tại buổi thảo luận, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai, cho hay năm 2023, tổng vốn đầu tư công của TP.HCM là hơn 68.000 tỉ đồng. Đây là số vốn cao nhất từ năm 2014 đến nay.
TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cải cách về thể chế và thực hiện các quy định để tháo gỡ các vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư, tăng trách nhiệm các đơn vị được giao đầu tư công. Đồng thời, tăng tính cường phân quyền, rút bớt các quy trình trong thủ tục đầu tư.
Thành ủy và HĐND TP.HCM cũng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát các công trình để đôn đốc địa phương, chủ đầu tư và các cơ quan ban ngành cùng vào cuộc.
Hồi tháng 10 vừa qua, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề, thống nhất nhiều giải pháp để tăng tốc trong những tháng còn lại. Ngay sau đó, UBND TP.HCM phát động đợt thi đua 60 ngày với mục tiêu giải ngân số vốn cao nhất có thể và không thể thấp hơn 80%.
Kể từ sau hội nghị Thành ủy TP.HCM, Sở KH&ĐT cho biết nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chậm giải ngân đầu tư công là do chưa có tính toán chưa kỹ về chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, có ba nhóm dự án với tổng vốn gần 17.000 tỉ đồng (chiếm 25% tổng số vốn năm 2023) dự báo không thể giải ngân trong năm 2023.
Nhóm thứ nhất, nhiều dự án chưa tính toán kỹ giải phóng mặt bằng, còn 5.440 tỉ đồng khó giải ngân. Nhóm thứ hai là các dự án trên địa bàn TP Thủ Đức còn vướng mắc, chủ yếu về giải phóng mặt bằng, chiếm 5.683 tỉ đồng.
Thứ ba là dự án chống ngập do triều, năm nay bố trí vốn 5.771 tỉ đồng nhưng cũng chưa thể giải ngân do các vướng mắc thuộc thẩm quyền Trung ương.
Với vai trò là cơ quan thường trực về giải ngân đầu tư công, Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm toàn bộ về tham mưu kế hoạch vốn, triển khai thực hiện, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra giám sát các dự án đầu tư công.
"Tính đến ngày 6-12, TP.HCM đã giải ngân 35.157 tỉ đồng, tương đương hơn 51%" - bà Mai nói.