Chiều 7-12, tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khoá X, đã chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội…
Đưa ra dự án nhưng chưa rà soát quy hoạch
Tại phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Lê Minh Đức hoan nghênh TP.HCM đã trình danh mục 41 dự án giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao để kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, ĐB Đức nhìn nhận năm 2022, TP cũng trình danh mục 197 dự án thu hút đầu tư nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn.
ĐB Đức đề nghị Chủ tịch UBND TP thông tin kết quả về việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP và giải thích vì sao kêu gọi đầu tư lại gặp khó khăn.
“Nếu lần này TP.HCM được thông qua 41 dự án lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá theo hình thức PPP thì TP sẽ làm thế nào để thu hút nhà đầu tư và sớm triển khai” – ĐB Đức nêu.
Trả lời đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua TP.HCM đã nỗ lực xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư, các cuộc tiếp xúc… Tuy nhiên, công tác chuẩn bị thiếu sự đồng bộ, có kẽ hở.
Ông phân tích một số dự án có nhu cầu nêu ra nhưng chưa rà soát quy hoạch, đất đai sẵn có hay không cũng như các điều kiện pháp lý khác về dự án. Do đó, khi nhà đầu tư tìm hiểu sâu, thấy mất thời gian vì muốn làm thì phải điều chỉnh quy hoạch, giải quyết thủ tục đất đai, cơ chế cho nhà đầu tư nhưng những vấn đề này lại chưa chuẩn bị kịp.
Ông Mãi cho biết việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP đối với danh mục 197 dự án trước đó chưa đạt kết quả.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, giữa năm 2023, TP.HCM đã đánh giá và phân công Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chỉ đạo các cơ quan rà soát lại. “Dự án nào đủ điều kiện về quy hoạch, đất đai thì giữ và xác định trọng tâm, trọng điểm xúc tiến; còn dự án nào chưa đạt thì chuẩn bị thêm” – ông Mãi nói.
Đối với 41 dự án trình HĐND TP lần này, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói đã rút kinh nghiệm lần trước. Ông cho biết trên cơ sở danh mục dự án đầu tư công, TP.HCM đã tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch, vận dụng cơ chế của Nghị quyết 98 để tăng tính khả thi. Ngay khi HĐND TP thông qua, UBND TP sẽ khẩn trương ban hành quy trình bộ hồ sơ thủ tục, làm sao khi triển khai dự án theo hình thức PPP phải nhanh gọn hơn đầu tư công.
“Dự án nào làm ngay làm được thì tập trung làm để dứt điểm sớm vì kinh nghiệm của chúng ta là chủ trương đúng nhưng quá trình triển khai kéo dài, pháp lý thay đổi nên bị mắc lại” – ông Mãi nói.
“Như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chủ trương rất đúng nhưng quá trình triển khai kéo dài, thời gian đó luật này luật kia thay đổi nên bị mắc về pháp lý” - Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn chứng và khẳng định TP sẽ chuẩn bị kĩ quy trình, hồ sơ, với tinh thần đầu tư theo hình thức PPP phải nhanh hơn đầu tư công.
Đường Lương Định của mấy trăm mét nhưng chưa xong
Liên quan đến nhu cầu nhà ở tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết nhu cầu nhà ở của TP rất lớn nhưng số nhà ở đang xây dựng dở dang, hoàn thiện chưa có người ở cũng rất lớn và đây là thực tế ở các đô thị lớn.
Theo ông Mãi, nhu cầu chỉ thuê nhà chứ không sở hữu đối với người có thu nhập thấp đã được TP xác định. Gần đây có chủ trương phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê nhưng gặp khó do nhiều điều kiện ràng buộc về mua nhà ở xã hội, các cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư.
Ông khẳng định TP.HCM vẫn kiên trì kế hoạch phát triển nhà ở; dự kiến đến năm 2024 TP phát triển 8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó cố gắng giữ chỉ tiêu xây 6.500 căn nhà ở xã hội. Hiện nay, hàng tuần, TP đều họp, lắng nghe và kiên trì tháo gỡ từng dự án.
Phân tích rõ hơn về các khó khăn khi triển khai dự án, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết có nhiều dự án nhà đầu tư đăng ký nhưng do thủ tục khó khăn cùng với lợi nhuận không cao, không hấp dẫn nên triển khai không sốt sắng.
Thời gian tới TP sẽ dùng 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội để tháo gỡ dự án xong về thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai cho được 17 dự án trong năm 2024 và tập trung phát triển nhà ở cho thuê tại ở các khu tập trung đông công nhân lao động.
Theo ông Mãi, thực tế có một số dự án đang được tập trung quyết liệt nhưng cũng có dự án kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như sự phát triển TP.
“Một số công trình như đường Lương Định Của chỉ mấy trăm mét nhưng mấy chục năm làm chưa xong...” – ông Mãi chỉ rõ và cho biết vấn đề pháp lý của 10-20 năm trước khác bây giờ, có thời điểm tách phần xây lắp và giải phóng mặt bằng ra riêng, sau này nhập lại nên phải điều chỉnh dự án, chỉnh sửa nhiều việc để phù hợp pháp lý.
“Những dự án càng kéo dài, bây giờ điều chỉnh lại sẽ tăng tổng mức đầu và phát sinh khác” – ông Mãi nói và cho biết TP đã tập hợp, phân nhóm, dự án nào gỡ được thì tập trung gỡ ngay.