Vừa qua, Bộ Tư pháp đã công bố Hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Theo đó, VKSND Tối cao đã có tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) về hình sự gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo VKSND Tối cao, Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các điều ước đa phương trong lĩnh vực tư pháp hình sự có điều khoản về tương trợ TTTP về hình sự. Từ khi Luật TTTP năm 2007 có hiệu lực (1-7-2008) đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký 19 Hiệp định TTTP về hình sự với nước ngoài.
Tuy nhiên, các điều khoản về TTTP hình sự trong Luật TTTP năm 2007 còn nhiều nội dung chưa thực sự tương thích với quy định trong các điều ước quốc tế này. Vì vậy, việc ban hành Luật TTTP về hình sự sẽ góp phần tạo điều kiện thực hiện tốt các cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã có ý kiến đồng ý với với đề xuất việc tách Luật TTTP thành 4 luật riêng, trong đó có Luật TTTP về hình sự.
Một trong những chính sách của Luật TTTP về hình sự được trình là Xây dựng cơ sở pháp lý ở tầm luật tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài dành cho nhau sự hợp tác, tương trợ tối đa.
Trong đó có việc xây dựng quy định về việc thực hiện cam kết có đi có lại, cam kết không áp dụng án tử hình trong hoạt động TTTP.
Theo VKSND Tối cao, một số yêu cầu TTTP của cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi đi nước ngoài hoặc yêu cầu chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài gửi đến Việt Nam liên quan đến tội phạm có thể áp dụng hình phạt tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Trong trường hợp này, các nước không áp dụng hình phạt tử hình thường yêu cầu Việt Nam phải đưa ra cam kết không áp dụng án tử hình hoặc áp dụng nhưng không thi hành án tử hình là điều kiện để thực hiện hoạt động TTTP.
Đây là vấn đề phức tạp nhưng khá phổ biến trong thực tiễn hoạt động TTTP về hình sự cũng như việc đàm phán, ký kết các Hiệp định TTTP về hình sự. Tuy nhiên, Luật TTTP chưa có quy định nào đề cập đến vấn đề này.
Do chưa có quy định cụ thể, thống nhất về trình tự, thủ tục thực hiện cam kết không áp dụng án tử hình trong hoạt động TTTP về hình sự nên các yêu cầu TTTP của Việt Nam gửi ra nước ngoài có liên quan đến yêu cầu cam kết thường gặp khó khăn.
Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra giải pháp là “Quy định về cam kết không áp dụng án tử hình trong hoạt động TTTP về hình sự trong trường hợp phía nước ngoài có yêu cầu cam kết là điều kiện để thực hiện tương trợ”.
Ngoài ra, VKSND Tối cao cũng đề xuất quy định về các căn cứ từ chối thực hiện tương trợ theo hướng chia thành các trường hợp bắt buộc phải từ chối và có thể từ chối. Việc từ chối vì không đáp ứng nguyên tắc tội phạm kép chỉ thực hiện đối với trường hợp yêu cầu tương trợ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Lý do là hiện nay, Điều 21 Luật TTTP 2007 quy định về căn cứ từ chối thực hiện TTTP chưa có sự phân biệt trường hợp bắt buộc từ chối và trường hợp có thể từ chối thực hiện.
Quy định như vậy chưa phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, chưa tạo ra cơ chế linh hoạt trong việc xem xét, quyết định thực hiện tương trợ và có thể dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn.