“Quy định 144-QĐ/TW/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là thước đo giám sát cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Các cấp ủy cũng cần coi đây là giải pháp tác động đến nhận thức của những người không đủ khả năng, uy tín nên tự giác rút lui, nhường đường cho người tài năng, đức độ hơn; góp phần tạo cơ hội nhiều hơn cho những cán bộ có năng lực, có đạo đức, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
PGS-TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định với Pháp Luật TP.HCM về Quy định 144 vừa được Bộ Chính trị ban hành. Ông cũng nhìn nhận quy định này đã thể hiện đầy đủ nhiệm vụ, chuẩn mực, tư cách và chí hướng phấn đấu của người cán bộ, đảng viên.
Từ chức khi không còn đảm nhiệm tốt công việc
. Phóng viên: Trong Điều 3 của Quy định 144, Trung ương yêu cầu cán bộ phải thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín. Ông nhìn nhận như thế nào về quy định này?
+ PGS-TS Lê Quốc Lý: Văn hóa từ chức đã được Đảng ta bàn thảo, nhắc đến từ trước đó (Quy định 41 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ - PV). Quy định 144 lần này là sự cụ thể và rõ ràng hơn cho cán bộ, đảng viên nếu có sai sót hoặc tự thấy mình không đảm đương được công việc… thì tự giác từ chức.
Quy định này sẽ có hiệu lực nếu nâng tầm tính liêm sỉ, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên và để xã hội giám sát.
Vấn đề cốt lõi của văn hóa từ chức là phải xuất phát từ sự tự giác và liêm sỉ của cán bộ chứ không phải chờ đến khi bị Đảng phát hiện ra các sai phạm thì mới từ chức. Một người cán bộ, đảng viên vì danh dự, trách nhiệm của mình trước dân mà từ chức - đó mới gọi là văn hóa từ chức.
Quy định 144 một lần nữa làm rõ hơn, góp phần thực thi văn hóa từ chức ở nước ta, đánh vào lòng tự trọng của mỗi con người. Khi ta không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó thì mạnh dạn từ chức sẽ tốt hơn là để khi bị phát hiện rồi vội vàng xin từ chức.
Ở một góc độ khác, khi cán bộ xin từ chức cũng phải xem xét mức độ sai phạm của họ đến đâu để xử lý theo pháp luật và cần phải truy thu được tài sản nếu xác định người đó đã tham nhũng. Vì nếu không có thể xảy ra trường hợp “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, cứ sai phạm rồi đến khi bị phát hiện hoặc không đáp ứng được thì… từ chức.
Bên cạnh đó, quy định này cũng là để ngăn những trường hợp chạy chức, chạy quyền. Đảng và nhân dân giao công việc gì thì làm cho hết trách nhiệm, hết lòng và cống hiến cao nhất có thể ở công việc đó, không cần phải chạy lên chức.
Khi ta làm mà kết quả chưa như mong muốn thì có thể là do tài năng, do hạn chế của chính bản thân nên người có lòng tự trọng thì sẽ chủ động từ chức. Nên hiểu việc từ chức ở góc độ này chứ không phải chỉ ở khía cạnh làm sai rồi từ chức.
Thực hiện văn hóa từ chức
Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức Đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
(Khoản 5 Điều 3 Quy định 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị)
Có những người lợi dụng chức vụ, làm sai tràn lan rồi bảo từ chức thì cũng chưa thể gọi đó là “văn hóa từ chức”. Một quyết định chậm trễ, sự trì trệ trong hệ thống công quyền mà người đứng đầu quản lý làm thiệt hại đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp thì cũng nên nghĩ đến từ chức.
Giao cho anh quyền để cống hiến cho dân, cho nước, nếu không làm được thì nên rời đi. Không thể cứ thất bại thì đổ do trời, còn thành công thì do tôi. Phải sòng phẳng rằng thất bại thì anh cũng phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng.
Luôn nghĩ tới quyền lợi, hạnh phúc của dân
. Nói như vậy, có phải Quy định 144 là cơ sở vững chắc hơn để “thanh lọc” những cán bộ, đảng viên không hội tụ đủ chuẩn mực đạo đức cách mạng, nhất là không đủ khả năng, uy tín?
+ Đây là một quy định rất tốt ở thời điểm này. Một dự án được giao nhưng thực hiện chậm 1-3 năm thì cán bộ, đảng viên phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân chứ không thể cứ ì mãi ra như thế mà không tự thấy mình phải có trách nhiệm.
Hay một ông bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh cứ để dân mình mãi nghèo đói, lẹt đẹt, mãi không bứt phá phát triển lên được như các địa phương khác thì… cũng nên từ chức.
Người đảng viên có danh dự, liêm sỉ thì khi không làm được sẽ rút lui chứ không chen chân vào ngồi ghế trưởng phòng hay phó phòng làm gì cả. Mình không biết thì nên để người giỏi hơn làm.
. Quy định 144 cũng nêu rõ “năm không” mà cán bộ, đảng viên phải thực hiện. Những quy định này liệu có phải là những thước đo, chỉ dấu cụ thể để cán bộ tránh được những vết trượt dài trong hoạt động công vụ hằng ngày?
+ Lời Bác Hồ dạy vẫn còn đó. Đó là phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác cũng dạy rằng mọi lợi ích đều thuộc về nhân dân và chủ nghĩa xã hội là làm cho dân được ấm no, tự do, hạnh phúc.
Tất cả lãnh đạo phải luôn luôn nghĩ cần phải làm gì, làm thế nào để cho dân được ấm no, tự do, hạnh phúc chứ không phải để bản thân mình hưởng trước dân, làm cho bản thân mình được ấm no, tự do, hạnh phúc trước dân.
Người cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý phải hưởng lợi ích sau dân, nhận trách nhiệm trước dân.
Khi vào Đảng, ai cũng phải tuyên thệ vì dân phục vụ và 19 điều đảng viên không được làm đã quy định khá rõ nhưng rồi không ít cán bộ lãnh đạo vẫn vi phạm.
Quy định 144 đã rất cụ thể và rõ ràng, đúng và cần thiết ở thời điểm hiện nay, giúp mỗi đảng viên tự kiểm soát và tự giữ mình chặt chẽ hơn. Tự phê bình và phê bình luôn là điều cần thiết của mỗi đảng viên, dù ở bất cứ thời kỳ nào.
Theo tôi, cần đưa quy định đến sát hơn với cơ sở; từng cán bộ, đảng viên cần hiểu rõ, nắm chắc, qua đó làm thước đo để giám sát các đảng viên có chức, có quyền.
. Xin cảm ơn ông.
Tăng sức chiến đấu cho Đảng
Quy định mới này ra đời rất đúng lúc bởi hiện có nhiều vụ việc đáng buồn xảy ra thời gian qua, nhiều đảng viên có chức, có quyền, thậm chí là cán bộ cấp cao phải từ chức hoặc bị xử lý hình sự.
Có thể thấy Đảng ta đã dứt khoát hơn bằng việc ban hành Quy định 144. Đó là cơ sở cho Đảng ngày càng tốt hơn, mạnh hơn và tăng sức chiến đấu. Tôi nghĩ mỗi đảng viên khi vào Đảng đều tâm nguyện vì dân, vì nước mà làm cho tốt, chỉ một bộ phận nhỏ làm sai. Nhưng đa số người làm sai lại có chức, có quyền nên vô tình khiến cho người dân mất niềm tin. Đã đến lúc phải chấn chỉnh.
Dứt khoát phải loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng dù là ai nếu có sai phạm, nhẹ thì phải từ chức, nặng thì phải chịu các hình thức kỷ luật của Đảng và pháp luật.
Với quy định này, tôi cho rằng các cấp ủy cũng cần coi đây là giải pháp tác động đến nhận thức của những người không đủ khả năng, uy tín nên tự giác rút lui, nhường đường cho người tài năng, đức độ hơn. Điều này góp phần tạo cơ hội nhiều hơn cho những cán bộ có năng lực, có đạo đức, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Qua đó không còn tình trạng giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ năng lực yếu kém nhưng có mối quan hệ thân hữu, cánh hẩu, phe phái, lợi ích nhóm...
Và tôi tin rằng nếu triển khai quyết liệt thì việc thực hiện quy định này sẽ thành công, sớm đi vào cuộc sống. PGS-TS LÊ QUỐC LÝ