Sáng 18-8, từ điểm cầu chính tại dự án cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".
“Chỉ bàn làm không bàn lùi”
Tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho biết thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được các bộ, ban, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới, bảo đảm cả ba mục tiêu: Chất lượng, tiến độ, hiệu quả.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành gần 700 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh, TP, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên hơn 2.000 km.
Thủ tướng biểu dương, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công, tư vấn và người lao động, đặc biệt là sự nỗ lực của Bộ GTVT.
Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn người dân khu vực các dự án đã ủng hộ, nhường đất đai, nhà ở để xây dựng các công trình trọng điểm Quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn chậm, tiến độ triển khai thi công tại một số công trình còn chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật tại một số dự án còn chưa đảm bảo tiến độ.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT và lãnh đạo Chính phủ.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và kế hoạch 5 năm 2021-2025, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả".
Theo Thủ tướng, trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực trên tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm”.
Giải quyết khó khăn về vật liệu xây dựng
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có dự án hạ tầng giao thông đang triển khai xây dựng cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền vận động người dân để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, phải chú trọng đến việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…Chủ đầu tư, nhà thầu thi công làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, tạo sự phấn khởi, gắn bó trên tinh thần "đi dân nhớ, ở dân thương".
Đối với tiến độ thi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công nêu cao tinh thần trách nhiệm, thi công “3 ca 4 kíp”, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", “làm việc nào dứt việc đó", đã cam kết thì phải thực hiện, đã hứa phải làm, phải ra sản phẩm hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Về vật liệu, Thủ tướng yêu cầu địa phương có san sẻ, chi viện cho địa phương gặp khó về nguyên vật liệu trên tinh thần quyết tâm cao, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tất cả vì mục tiêu chung.
Thủ tướng cho rằng, mọi người làm việc trên tinh thần tâm phải sáng, coi công việc chung như công việc gia đình, phấn đấu hoàn thành công việc vì đất nước, vì người dân.
Ngoài ra, các nhà thầu chính, nhà thầu lớn cần hỗ trợ nhà thầu phụ, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương lớn lên trên tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển…
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan cần tuyên truyền, nhân rộng các mô hình người tốt việc tốt, mô hình có hiệu quả trên tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, phát huy sáng tạo, cách làm hay.
Theo Thủ tướng, việc triển khai khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn là thách thức nhưng cũng là môi trường để thể hiện sự bản lĩnh, sự sáng tạo, năng lực quản lý của các bộ, ban, ngành và địa phương, các Ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công. Đợt thi đua này cũng là dịp để đánh giá, lựa chọn các nhà thầu thi công tốt, có năng lực, có trách nhiệm triển khai các dự án cao tốc trong những năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, ngay sau buổi lễ phát động hôm nay, các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công…phải xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các tiêu chí thi đua phù hợp, tập trung vào những nhiệm vụ khó, nhiệm vụ trọng tâm, xác định rõ việc hoàn thành các công trình đường cao tốc.
Việc phát động thi đua phải tạo ra được động lực, phong trào, cảm hứng. Qua đó, sẽ tổ chức sơ kết thi đua đợt một vào tháng 12-2024; sơ kết đợt hai vào tháng 6-2025 và tổng kết vào tháng 12-2025.
Đồng thời, nêu cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với tập thể, vì danh dự của cá nhân, của cơ quan, đơn vị; vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân về một hệ thống đường bộ cao tốc đồng bộ, hiện đại.
“Tôi tin rằng với sự quyết tâm, đồng lòng vượt qua khó khăn thử thách, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc” - Thủ tướng Phạm Minh chính nói.
Nhà thầu kiến nghị sử dụng vật liệu mới ở cao tốc
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cam kết, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chủ đầu tư cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện hoàn thành dự án thành phần 3 trong năm 2025 đảm bảo chất lượng, tuân thủ quy định của pháp luật.
Còn ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải đại diện cho các nhà thầu cũng cam kết thực hiện các dự án cao tốc vượt tiến độ đề ra và đảm bảo chất lượng công trình.
Có hai kiến nghị các địa phương tạo điều kiện sớm bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu có dự án đi qua. Đối với Chính phủ, ông Hải cho rằng trước đây có 12 dự án thủ tướng đã cho phép sử dụng công nghệ mới để rải phân cách cứng để rút ngắn khoảng thời gian thi công, chất lượng tốt hơn và giá cả không thay đổi.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý với những kiến nghị của nhà thầu, đồng thời yêu cầu các địa phương tháo gỡ khó khăn nơi có dự án đi qua.
Theo Thủ tướng, những vướng mắc liên quan đến bộ ngành nào, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho từng bộ ngành đó, trong đó có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. Nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết.