Tiền Giang: Cần 158 tỉ đồng triển khai cấp bách dự án ổn định dân vùng sạt lở

(PLO)- Tình trạng vùng sạt lở tại khu vực Vàm Kỳ Hôn, bờ kênh Chợ Gạo thuộc xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo và cù lao Tân Phong thuộc xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang ngày càng nghiêm trọng hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sạt lở đã cuốn trôi sông nhiều diện tích đất, hoa màu, cây trái, ảnh hưởng đến đời sống và đe dọa sự an toàn của người dân. Tỉnh Tiền Giang kiến nghị cần khẩn cấp bố trí ổn định dân cư vùng sạt lở nguy hiểm.

Sạt lở lấn sâu vào đường giao thông

Xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo nằm cạnh sông Tiền và rạch Kỳ Hôn thuộc kênh Chợ Gạo. Nhiều năm qua do ảnh hưởng mật độ của tàu, thuyền qua lại dày đặc và ảnh hưởng của dòng chảy khiến khu vực Vàm Kỳ Hôn và bờ kênh Chợ Gạo đoạn qua ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông bị sạt lở nghiêm trọng.

Cần 158 tỉ đồng triển khai cấp bách dự án bố trí ổn định dân cư vùng sạt lở nguy hiểm
Sạt lở bờ sông kênh Chợ Gạo thuộc ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông

Sạt lở đã làm cho khoảng 3.000m2 đất của người dân đổ sụp xuống sông, lòng sông trên tuyến kênh Chợ Gạo ngay khu vực Vàm Kỳ Hôn đã rộng thêm gấp 3 lần so với trước đây. Đoạn đường giao thông nông thôn đã nhiều lần phải dời sâu vào bên trong đất liền khoảng 7m.

Theo ghi nhận, hiện nay khu vực này tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều vị trí sạt lở đã làm mất gần hết đường giao thông. Phía dưới chân đê nhiều đoạn hàm ếch ăn sâu vào bên trong, nguy cơ toàn bộ tuyến đê sẽ tiếp tục sạt lở.

sat-lo (2).JPG
Nhiều vị trí sạt lở lấn sâu vào đường giao thông

Ông Võ Tấn Hạnh –người dân sống dọc bờ sông Chợ Gạo cho biết thời gian qua tình hình sạt lở khu vực này rất nghiêm trọng. Sạt lở đã cuốn trôi mất của gia đình ông 500m2 đất.

Gần đây, sạt lở khu vực này chưa có dấu hiệu dừng lại, ông Hạnh cũng như nhiều hộ dân khác muốn đầu tư sản xuất nhưng lo sợ không biết vườn, nhà đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào.

“Tôi mong khu vực này sớm có được kè kiên cố, giữ được đê, bảo vệ nhà cửa, đất vườn của người dân để chúng tôi an tâm sinh sống” – ông Hạnh nói.

Tuyến đê bao cũng là tuyến giao thông dọc bờ kênh Chợ Gạo hiện đang bị sạt lở nghiêm trọng, nguy hiểm luôn rình rập. Bãi sông khu vực này bị xoáy sâu, chân đê bị nhiều vị trí hàm ếch, nguy cơ đổ sụp xuống sông rất dễ xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Mười – Chủ tịch UBND xã Xuân Đông

sat-lo (3).JPG
Sạt lở bờ sông tại xã Xuân Đông

Theo ông Nguyễn Văn Mười – Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, việc đầu tư công trình chống sạt lở khu vực này đang rất cấp bách. Trong khi nguồn kinh phí địa phương khó khăn, xã mong muốn Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí xây kè kiên cố ngăn sạt lở khu vực này.

Thiếu công trình kè, cù lao giữa sông Tiền sạt lở nặng

Tại bờ sông Tiền thuộc ấp Tân Thiện, cù lao Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy tình hình sạt lở cũng ở mức báo động. Có những vị trí mỗi năm bị xói lở ăn sâu vào đất liền từ 5-10m, gây mất an toàn và thiệt hại cho các công trình công cộng, tài sản, đất sản xuất nông nghiệp và đe dọa tính mạng của người dân.

sat-lo (8).JPG
Do đầu tư kè chưa khép kín, khu vực cù lao Tân Phong tiếp tục xảy ra sạt lở
sat-lo (7).JPG
Sạt lở ven sông Tiền ở cù lao Tân Phong

Ông Phan Văn Tám – Phó trưởng ấp Tân Thiện cho biết khu vực bờ sông này mỗi năm mỗi lở, có người dân bị sạt lở mất 1.000-2.000m2 đất vườn cây ăn trái, có người bị sập nhà.

“Dù mỗi năm người dân đều tự gia cố nhưng lại sụp đổ hết xuống sông, mong chính quyền các cấp xây kè kiến cố càng sớm càng tốt, ngăn chặn sạt lở để người dân an tâm phát triển kinh tế” - ông Tám nói.

Qua khảo sát thực tế, khu vực cù lao Tân Phong có khoảng 1.250m chiều dài bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Về lâu dài nếu không có biện pháp ngăn chặn, sạt lở sẽ gây nguy hiểm và thiệt hại trực tiếp đến khoảng 190 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu và ảnh hưởng gián tiếp để hơn 3.500 hộ dân, gần 400ha đất trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, nhãn, mít, chôm chôm… của bà con.

sat-lo (6).JPG
Người dân gia cố đê bao ngăn sạt lở
sat-lo (9).JPG
Sạt lở đe dọa nhà dân

Bà Hồ Thị Xuân Đào – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong cho biết những năm gần đây xã cù lao Tân Phong được tỉnh quan tâm đầu tư hoàn thành 4 đoạn bờ kè với tổng chiều dài hơn 2.055m. Bờ kè đã mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống sạt lở, bà con rất phấn khởi.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn hai đoạn dài khoảng hơn 1.250m giáp sông Tiền bị sạt vì chưa được xây kè kiên cố.

“Hiện chính quyền địa phương và bà con rất mong mỏi Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư vốn để xây dựng hai đoạn còn lại nhằm khép kín cả khu vực cồn, bảo vệ vườn cây, đất sản xuất của người dân và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn xã” - bà Đào nói.

Cần khẩn cấp bố trí ổn định dân cư vùng sạt lở nguy hiểm

Trước tình hình sạt lở gây ảnh hưởng nặng nề, UBND tỉnh Tiền Giang vừa kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét trình chính phủ hỗ trợ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để triển khai 2 dự án gồm: Dự án bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực thiên tai ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo và Dự án bố trí, ổn định dân cư khẩn cấp khu vực thiên tai ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy.

Tổng mức đầu tư 2 dự án trên khoảng 158 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 140 tỉ đồng và ngân sách địa phương 18 tỉ đồng.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, đây là các dự án cấp bách, cần phải triển khai ngay trong năm 2024 nhằm bố trí, ổn định dân cư, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm