Putin: Từ sĩ quan tình báo đến người quan trọng nhất nước Nga
Con đường từ một trung tá tình báo KGB đến đỉnh cao quyền lực tổng thống Nga của ông Putin trải qua nhiều gian nan thử thách. Đạt được thành công đã khó, giữ được nó nguyên vẹn còn khó hơn và với một người nhiều tham vọng như Putin thì đó dường như chỉ là sự bắt đầu cho một quá trinh thâu tóm quyền lực tuyệt đối kéo dài cho đến ngày nay.
Thu hồi quyền lực
Nước Nga thời điểm ông Putin mới lên cầm quyền là một thể chế liên bang lỏng lẻo do hậu quả từ sư sụp đổ của liên bang Xô Viết. Một chủ thể quốc gia với 89 vùng lãnh thổ chính trị cấp dưới liên bang (bao gồm các nước cộng hòa, vùng, Moscow và St-Petersburg) được trao quyền tự trị rất lớn dẫn tới tình trạng phá vỡ các quy tắc liên bang và góp phần làm lớn mạnh các phong trào li khai, nổi tiếng nhất là Chechnya.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Người đàn ông quan trọng nhất nước Nga
Chính tình trạng phân bổ “quyền lực theo chiều dọc” này vô tình khiến quyền lực của điện Kremlin và tổng thống Nga bị hạn chế rất nhiều. Do đó, công việc đầu tiên của ông Putin ngay sau khi nhậm chức chinh là đưa ra nhiều biện pháp nhằm tái lập quyền lực tuyệt đối của Kremlin đối với đời sống chính trị Nga nhằm tái lập lại cái mà ông gọi là "quyền lực theo chiều dọc" – nghĩa là quay trở lại với hệ thống liên bang từ trên xuống theo truyền thống.
Ông Putin đích thân đưa những người thân cận của mình làm các “đại diện toàn quyền” của tổng thống nhằm cai quản những “siêu vùng” mới được thành lập của liên bang Nga rộng lớn. Putin cũng đã tiến hành cải cách triệt để hệ thống Thượng viện Nga và Ủy ban Liên bang nhằm tăng quyền quyết định cho tổng thống. Hai biện pháp này đã thành công rực rỡ.
Vị thế vững chắc
Năm 2004, trong những ngày đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình, ông Putin tiếp tục tiến một bước dài trên con đường củng cố quyền lực bằng cách đưa ra một sáng kiến nhằm thay thế cuộc bầu cử các thống đốc vùng bằng một hệ thống theo đó họ sẽ được Tổng thống đề cử và được chấp nhận hay không bởi các cơ quan hành pháp địa phương.
Cuối cùng, sáng kiến này vẫn được Duma quốc gia Nga thông qua. Điểu này có nghĩa tổng thống sẽ đề cử bất cứ ai mà ông thích và tất nhiên là thuộc “phe phái” của ông.
Tuy nhiên, hành động này vấp phải sự phản đối của nhiều chính khách lớn như các cựu tổng thống Mikhail Gorbachev, Boris Yeltsin và ngoại trưởng Mỹ lúc đó Colin Powell. Những người chỉ trích coi đó là một bước xa rời dân chủ ở Nga và quay lại với bộ máy tập trung trung ương thời kỳ Sô viết
Kéo dài thời gian cầm quyền
Và khi đã nắm quyền lực tuyệt đối. Ông Putin chỉ còn bước cuối cùng là kéo dài nó càng lâu càng tốt.
Do hiến pháp liên bang Nga không cho phép Tổng thống tranh cử 3 nhiệm kỳ liên tiếp nên ông Putin đã không tranh cử tổng thống năm 2008, bù lại ông giới thiệu cộng sự thân tín Medvedev vào chiếc ghế tổng thống. Sau đó ông Medvedev lại chỉ định ông Putin làm thủ tướng.
Đây thực sự là một nước cờ “lùi một bước tiến ba bước” vô cùng khôn ngoan của ông Putin bởi vì trong nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của mình, ông Medvedev đã ra tay thay đổi hiến pháp cho phép người từng làm tổng thống được tái ứng cử và tăng số thời gian cầm quyền một nhiệm kỳ từ 4 lên 6 năm.
Năm 2012, ông Putin tái ứng cử và không gặp bất cứ trở ngại nào để quay lại chiếc ghế tổng thổng. Mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Itar-Tass ông Putin cho biết sẽ cân nhắc tái tranh cử nhiệm kỳ 3 nhưng không muốn làm tổng thống trọn đời.