Sáng nay (22-5), trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016 của Chính phủ.
Theo đó, Ủy ban Kinh tế tán thành với đánh giá kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục đà phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, kinh tế-xã hội vẫn đang gặp không ít khó khăn, DN ngừng hoạt động, giải thể còn cao, đời sống người dân còn khó khăn, ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi nhưng khắc phục và cải thiện còn chậm; trật tự an toàn xã hội trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Phải xác thực lại các chỉ tiêu "đạt" khi GDP không đạt
Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về một số vấn đề như tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch đề ra, thấp hơn số đã báo cáo QH tại kỳ họp thứ 2 ước đạt 6,3%-6,5% và cũng thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015.
Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do cơ cấu kinh tế chưa có chuyển biến mạnh, thiếu liên kết và thực lực DN trong nước yếu. Mặc dù Chính phủ, các cấp, ngành có các hành động cụ thể, quyết liệt theo tinh thần “kiến tạo” và phục vụ DN nhưng chưa xác định rõ định hướng trọng tâm trong điều kiện nguồn lực có hạn.
Có ý kiến băn khoăn và đề nghị làm rõ tính xác thực của các số liệu khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, môi trường đều đạt trong khi đó chỉ tiêu GDP lại đạt thấp.
Đặc biệt, theo Ủy ban Kinh tế, bài học từ sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh đặt ra cho các cơ quan chức năng, địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thiên tai khó lường, dẫn đến thiệt hại nặng nề về người và sản xuất nông lâm và thủy sản. Theo ước tính tổng thiệt hại toàn ngành do thiên tai trong năm 2016 lên đến gần 40.000 tỉ đồng (tương đương hơn 1,7 tỉ USD) - đây là con số cao nhất từ trước tới nay.
Các đại biểu Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Về kinh tế những tháng đầu năm 2017, Ủy ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý I-2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây chủ yếu là do khu vực công nghiệp - xây dựng giảm so với cùng kỳ.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3%-6,5%.
Một số ý kiến đề nghị phải thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững.
Buông lỏng quản lý đất đai
Ủy ban cũng lưu ý đến công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ”chui” kéo dài trong nhiều năm đang trở nên nghiêm trọng, chênh lệch địa tô ngân sách nhà nước không thu được.
Công tác quản lý đất đai yếu kém, thu hồi, bồi thường thiếu minh bạch, thiếu hợp lý tại cơ sở, chưa thực hiện nghiêm túc quy định về đối thoại và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.
Xuất hiện việc khai thác tài nguyên theo kiểu tận khai, tận diệt như khai thác cát, gỗ trái phép ở một số địa phương làm cạn kiệt nguồn nước, sạt lở bờ sông... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng tới khả năng phòng, chống thiên tai.
Thiếu kiên quyết cổ phần hóa
Các DNNN chưa nghiêm túc thực hiện quy định và công bố thông tin của DN. Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DNNN hiệu quả thấp do sự thiếu kiên quyết thực hiện của người đứng đầu DN và tâm lý chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn nhà nước tại DN.
Do đó, ủy ban đề nghị Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ, giảm tối đa tỉ lệ vốn nhà nước trong các DN mà Nhà nước không cần giữ chi phối. Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu DN, các bộ, ngành trong việc chậm cổ phần hóa.
Rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo QH xem xét, cho ý kiến. Quản lý chặt chẽ các loại tài sản công, nhất là nhà ở, đất đai để tài sản công không bị thất thoát, lợi dụng.