Liên Ngô kể với báo Russia Beyong (Nga) hồi trung tuần tháng 4-2019: mọi sự bắt đầu từ việc cha mẹ cô đều học Đại học Quốc gia Moscow, khi họ còn trẻ. Cha cô theo ngành luật, mẹ cô học tiếng nước ngoài.
Năm nay 20 tuổi, Liên Ngô lớn lên ở Hà Nội, luôn nghe cha mẹ cô kể về nước Nga tươi đẹp, người Nga dễ thương. Và ngay cả một phần tên của cô cũng có nghĩa “Nga”: Liên là một phần trong Liên Xô, trong cách gọi của người Việt.
Liên Ngô sống nửa cuộc đời ở nước ngoài, và đến năm 2018, cha cô trở thành Đại sứ Việt Nam tại Nga và cô theo cha đến Nga.
Liên Ngô ở Nga. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Trước đó, Liên Ngô từng học khoa kinh tế ở Đại học London (UCL), tốt nghiệp năm 2011 và bắt đầu đi làm, ban đầu ở một công ty đầu tư ở thủ đô London (Anh), sau đó cô qua vùng Tây châu Phi để lập một công ty riêng, chuyên xuất khẩu gỗ và quả đào lộn hột về Việt Nam.
Khi Liên Ngô đến Nga, các món ăn Việt Nam đã phổ biến, nhưng các nhà hàng bán những món giống nhau. Nên cô muốn tạo sự khác lạ và phải là “món nhà làm”, nên cô và các bạn mở tiệm cà phê Em Ơi, bán phở bò, cháo bò, cơm sườn nướng, thịt vịt nướng hoặc tôm xào chua ngọt.
Liên Ngô giấu cha mẹ việc mở tiệm Em Ơi hồi đầu năm 2019. Cô cũng không gặp khó khăn trong việc xin giấy phép.
Thực khách Nga xếp hàng chờ đặt món phở bò. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Khoản vốn ban đầu cần thiết để mở một tiệm cà phê nhỏ ở Nga vào khoảng 20.000 đến 30.000 USD. Nhưng khó tìm được mặt bằng để thuê do giá cả cao. Một người có thể phải trả từ 5.000 rúp (76 USD) đến 14.000 rúp (214 USD) để thuê một mét vuông ở Moscow.
Vấn đề lớn nhất của tiệm Em Ơi là phải giữ được khách. Trong hai tuần đầu sau ngày khai trương, nhiều thực khách Nga đến tiệm Em Ơi. Nhưng vì ban đầu các món bán không được ngon nên họ không bao giờ quay lại tiệm.
Mãi đến tháng 2, khi Liên Ngô gặp được bếp trưởng hiện nay, mọi sự bắt đầu tốt đẹp. Người ta truyền miệng với nhau về tiệm Em Ơi, và vào những ngày thường, tiệm có 60-70 thực khách, đa số là du học sinh người châu Á.
Liên Ngô nói nhóm của cô trẻ nhưng khỏe, và cô rất may mắn biết họ, vì điều hành một tiệm cà phê không phải là việc mà chỉ một người có thể đảm đương.
Nhóm có 6 người và Liên Ngô lớn nhất, bếp trưởng 27 tuổi nhưng 4 người còn lại mới bước vào tuổi 20. Cả nhóm đều làm việc cần cù 13 giờ/ngày, và rất tận tâm: “Tôi nghĩ mọi người có thể cảm thấy điều đó khi đến với tiệm”, Liên Ngô nói.
Đa phần trong nhóm nói tiếng Nga, nhưng Liên Ngô không biết thứ tiếng này. Cô nói đó là một khó khăn cho cô, nhưng đôi khi cô muốn nói chuyện với thực khách Nga nhưng khó, vì nhiều người lại không biết tiếng Anh.
Liên Ngô chỉ biết mỗi câu tiếng Nga “ochen vkusny” (rất ngon) nên khi nghe câu này, cô biết thực khách Nga thích các món ăn của Em Ơi.
Tại tiệm, phở bò là món phổ biến. Rất nhiều người Nga đến tiệm chỉ gọi món này. Liên Ngô kể mỗi ngày có 3 nhóm đến chỉ để ăn phở bò, ngoại trừ dịp cuối tuần vì họ không đi làm. Một ngày nọ, các nhóm đến nhưng Em Ơi không còn bán, vậy là họ ra về mà không thử dùng các món khác.
Du học sinh người Việt đến tiệm Em Ơi.
Em Ơi còn có một khách trung thành, ngày nào cũng đến tiệm để ăn phở bò, và khi ông không đến, tiệm biết ông đi đâu đó.
Liên Ngô nói chuyện này vui, vì biết rõ trong những ngày tệ nhất, vẫn có những người này ủng hộ tiệm Em Ơi.
Liên Ngô tiết lộ bí quyết làm ăn: trước khi lập một doanh nghiệp ở Nga, nên suy nghĩ 3 điều này. Thứ nhất là có “thổ địa” đã ở Nga lâu năm, rành mọi điều về pháp lý và văn hóa trong việc khởi nghiệp ở xứ bạch dương. Giải quyết xong khâu pháp lý thì có thể tập trung vào mọi việc khác.
Thứ hai là không được đánh giá thấp thị trường, bảo đảm sản phẩm của mình đạt chất lượng tốt, giá cả hợp lý và hiểu rõ người mua hàng của mình là ai: “Bạn không thể nghĩ cứ mở tiệm là sẽ có khách”.
Thứ ba, phải kiên nhẫn với bất kỳ việc gì mình dựng nên, nhất là khi kinh tế Nga hiện không được khỏe mạnh.
Liên Ngô nói đã học được nhiều bài học khó, nhưng nếu có cơ hội làm lại, cô sẽ lại mở tiệm nữa, vì đã gặp được nhiều người giỏi: “Thị phần này mở ra nhiều ý tưởng, và chúng tôi đã gặp những ý tưởng đó, nên tôi đầy kỳ vọng vào tương lai”.