Sáng 17-8, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam), cho biết hiện nay chùa Cầu đã xuống cấp trầm trọng nên cần được sửa sang, tu bổ lại kịp thời để phục vụ người dân và khách du lịch.
Bàn cách trùng tu
“Chùa Cầu là di tích quốc gia được công nhận vào năm 1990 và mang nét đặc trưng khi nói đến phố cổ Hội An. Tuy nhiên, việc xuống cấp của chùa Cầu trong thời gian qua khiến các nhà chức trách phải tính đến phương án tu bổ khẩn cấp” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, các chuyên gia đã đưa ra nhiều phương án khác nhau để trùng tu chùa Cầu. “Có hai luồng ý kiến, thứ nhất là sửa từng phần của chùa Cầu, tức hư đâu sửa đấy. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng nên tháo dỡ toàn bộ chùa Cầu để xây dựng lại” - ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, đến nay phía chính quyền Hội An vẫn chưa đưa ra phương án lựa chọn nào. Trước mắt là ghi nhận những ý kiến của chuyên gia, thời gian tới sẽ có các đoàn liên ngành kiểm tra lại thực trạng hư hỏng của chùa Cầu rồi đưa ra phương án phù hợp nhất.
Các chuyên gia đánh giá việc tháo dỡ toàn bộ chùa Cầu để xây lại cầu mới sẽ đánh mất nguyên bản. Do đó, UBND TP Hội An cũng đang tiến hành kiểm tra lại hiện trạng hư hỏng của chùa Cầu rồi mới tính đến phương án trùng tu chứ không thực hiện vội vã.
Toàn cảnh chùa Cầu đang sắp được trùng tu. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Sẽ tham vấn nhiều chuyên gia
Trước câu hỏi về số phận của chùa Cầu sẽ như thế nào, ông Đinh Hài (Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam) cho hay việc tỉnh vừa tổ chức hội thảo là nhằm tìm biện pháp tháo gỡ cho sự xuống cấp trầm trọng của chùa Cầu hiện nay.
hội thảo vừa được tổ chức còn có sự tham dự của đại diện của UNESCO, đại sứ quán Nhật Bản và các chuyên gia Nhật Bản. “Đại diện UNESCO cũng có phát biểu và đồng ý với việc nghiên cứu để trùng tu chùa Cầu” - ông Hài nói.
Ông Đinh Hài cũng cho rằng chùa Cầu là một di tích đặc biệt góp phần tạo nên di sản văn hóa thế giới - phố cổ Hội An. “Hội thảo chỉ mới là đưa ra các giải pháp và xin ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên, muốn thực hiện cần phải tổ chức thêm nhiều hội thảo, tiếp tục tham vấn ý kiến rồi đưa ra đề án để có thể đại trùng tu một cách tốt nhất cho chùa Cầu mà vẫn bảo tồn được giá trị của nó” - ông Hài giải thích.
Từ quan điểm đó, câu hỏi đặt ra là trùng tu kiểu nào,phương pháp, giải pháp kỹ thuật là gì thì sẽ còn tiếp tục nghiên cứu. “Tinh thần là phải giữ phần lớn, mọi thứ của di tích để lại, trùng tu là phải để lại bằng được như di tích gốc. Còn giải pháp kỹ thuật là gì thì cần phải có các nhà chuyên môn tính toán. Còn việc dỡ ra rồi làm mới là không có. Làm nhưng phải đảm bảo như ban đầu. Nếu nói làm mới lại như thế thì không còn chùa Cầu của thế kỷ 16-17 nữa mà là chùa Cầu của thế kỷ 21” - ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự lưu ý phải nhớ rằng giá trị của cả phố cổ Hội An phụ thuộc vào chùa Cầu và sự cổ kính của nó.
Trùng tu như thế nào? Ông Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Thành ủy TP Hội An) cho rằng chùa Cầu là công trình đặc biệt và là điểm hội tụ của văn hóa Hội An. Đó còn là biểu tượng của Hội An. Tuy nhiên, với sự xuống cấp của công trình này thì việc trùng tu lại là cần phải làm. Nhưng trùng tu như thế nào cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng, bởi đây là công trình đã có tuổi thọ trên 400 năm tuổi. Đặc biệt, khi trùng tu cần phải khảo sát kỹ và hết sức chú ý tới phần mái của chùa Cầu. Khi tháo dỡ phần mái với những họa tiết, chi tiết tồn tại cả mấy trăm năm như vậy thì liệu có đảm bảo giữ được nguyên vẹn không? “Tôi ủng hộ việc trùng tu toàn bộ nhưng với điều kiện đã khảo sát kỹ, có phương án, đề án cụ thể và chặt chẽ để không làm biến dạng những giá trị văn hóa có hàng trăm năm của chùa Cầu. Còn nếu chưa khảo sát kỹ, chưa có phương án để bảo vệ, không giữ gìn được tối đa giá trị cổ xưa của chùa Cầu thì chỉ nên trùng tu cục bộ. Chúng tôi không thể chấp nhận một ông già trên 400 năm tuổi mà tóc còn xanh được (tháo dỡ toàn bộ sẽ khiến mái của chùa Cầu không còn giữ được nguyên vẹn mà bị làm mới - PV)” - ông Sự nói. Nguyên tắc trùng tu là phải giữ được như ban đầu và để di tích còn tồn tại lâu dài. Chúng tôi sẽ tham khảo các chuyên gia trong nước và quốc tế, tham khảo cả những nhà quản lý của UNESCO và trong nước khi trùng tu. Thực tế thì không phải Hội An mới trùng tu mà thế giới người ta trùng tu nhiều rồi. Ví dụ, Nhật Bản cũng từng trùng tu rất nhiều di tích thế giới và họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc này, họ vẫn giữ được nguyên dạng của di tích. Còn ở Việt Nam, kinh đô Huế cũng từng trùng tu rồi mà họ vẫn giữ được thì đó là những kinh nghiệm mà chúng ta học được… Ông LÊ VĂN THANH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |