Quảng Nam: Dân ám ảnh vì chạy đâu cũng gặp sạt lở

Trận sạt lở năm 2020 đã để lại cho người dân xã Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) nỗi sợ kinh hoàng. Vụ sạt lở đã khiến nhiều gia đình mất nhà, mất sạch tài sản, đất đai canh tác và mất đi người thân. Sau đó, chính quyền lên kế hoạch di dời các hộ dân tới nơi tái định cư (TĐC) mới. Tuy nhiên, người dân dọn vào nơi ở mới chưa được bao lâu thì mới đây một khu đất ngay trong khu TĐC đã đổ ào xuống vực, nhiều ngôi nhà đứng bên bờ sạt lở bị vùi lấp.

Tới khu tái định cư mới vẫn sạt lở

Ghi nhận của PV, khu TĐC thôn 1 có bốn thớt (được bố trí theo từng tầng nấc), tình trạng sạt lở ở mái ta luy âm xảy ra ở các thớt 1, 2 và 3. Có điểm nhà dân nằm sát ngay miệng tử thần vì sạt lở đã nằm ngay trước cửa nhà. Trong khi đó, mái ta luy dương được bảo vệ bằng kè bê tông cũng bị xé toác. Cơn ác mộng về sạt lở đất tiếp tục tái diễn khiến người dân nơi đây hoang mang.

Anh Hồ Văn Dày (ngụ thôn 1) cho biết gia đình tám người sinh sống trong căn nhà chật chội ở thôn 1 (cũ) đã lâu. Khi chính quyền thông báo bà con di dời đến nơi ở tạm, nhường đất san ủi làm khu TĐC khiến ai nấy đều vui mừng, hy vọng sẽ sớm có nơi trú ngụ an toàn vào mỗi mùa mưa bão. “Tháng 9-2021, cả gia đình vui mừng dọn về ngôi nhà mới ở khu TĐC vừa hoàn thành. Tôi nghĩ khu này bằng phẳng, rộng rãi sẽ an toàn hơn, không có sạt lở nhưng mới đến ở được vài tháng, nền nhà bên cạnh đã trôi xuống vực, tôi lo quá. Từ ngày tới đây đến giờ khi nào cũng thon thót lo sợ” - anh Dày cho biết.

Lớp kè bảo vệ nứt toác, sạt lở đe dọa hàng chục hộ dân ở khu tái định cư thôn 1. Ảnh: THANH NHẬT

Sau nhà ông Hồ Văn Viên (ngụ thôn 1) là bờ kè ta luy dương nứt toác, bên hông là ta luy âm sạt lở tiến đến sát nền nhà. Nhà và tính mạng của gia đình ông có thể bị đất đá chôn vùi bất cứ lúc nào bởi mới qua một mùa mưa, phần đất bên cạnh đã bị cuốn như chui tuột xuống cái hang không đáy. Cả nhà ông Viên “ăn không ngon, ngủ không yên” mỗi lần thấy trời mưa.

“Mới mưa vài trận đã sạt lở rồi. Mấy ngày trước có mưa, tôi lo quá mua bạt về trải cho nước khỏi xoáy vào chỗ sạt lở cũ nhưng cách làm này cũng không ổn lắm, sạt lở vẫn cứ sạt nghiêm trọng hơn. Bây giờ sạt lở sát tới nhà rồi, Nhà nước có cách chi khắc phục giúp dân chứ ở đây nguy hiểm quá” - ông Viên thở dài.

Công trình chưa nghiệm thu

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho hay khu TĐC thôn 1 do UBND huyện làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 16 tỉ đồng. Khu TĐC được thực hiện từ năm 2019, theo chủ trương sắp xếp lại dân cư từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thời điểm thiết kế khu TĐC này trước khi xảy ra trận sạt lở kinh hoàng năm 2020 nên đã không tính toán được tác động của thiên nhiên, biến đổi khí hậu.

Theo ông Trung, đến tháng 9-2020 xảy ra mưa lớn, sạt lở cùng với những trận mưa năm 2021 đã tác động đến địa chất. Kết hợp các yếu tố trên cùng với áp lực bố trí đất ở cho nhân dân, một số hộ được bố trí nhà chính nằm trên phần đất cứng, công trình phụ nằm sát khu vực đất gửi (đất ủi ra san bằng) nên qua các đợt mưa lớn, nước thấm vào trong, gây sạt lở chủ yếu ở phần đất gửi.

Về lớp kè bảo vệ giữa thớt 2 và thớt 3 bị nứt toác, ông Trung cho rằng hạng mục này nằm ngoài thiết kế ban đầu. Khi thực hiện, đơn vị thi công phát hiện một tảng đá lớn (chiếm diện tích khoảng 20 lô đất) không thể bóc tách nên ảnh hưởng diện tích toàn khu TĐC. Trong khi đó, địa phương đề nghị bố trí đủ diện tích cho người dân TĐC nên chọn phương án kè phần đất gửi để đảm bảo.

“Công trình kè chưa tính toán đến ảnh hưởng của mưa lớn, dài ngày. Vì vậy, khi nước thấm từ trên xuống tạo dòng chảy lồng trong kè gây sạt, hỏng. Hiện nay, trong thời điểm vẫn còn mưa, đất vẫn còn ngấm nước không thể làm gì được. Huyện chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng, đến khi nào nắng ráo thì thi công làm lại bài bản, có đánh giá, thiết kế, thi công để làm sao đảm bảo an toàn cho người dân” - ông Trung nói.

Ông Trung cho biết thêm hiện nay, công trình chưa được nghiệm thu tổng thể. Tuy nhiên, do áp lực bố trí đất cho người dân làm nhà nên công trình hoàn thành tới đâu bố trí đất tới đó. “Sau này hoàn thiện rồi sẽ ngồi lại đánh giá tổng thể. Có vấn đề gì về chất lượng, tư vấn thiết kế hay không. Lúc đó mới tính toán, xử lý trách nhiệm nếu có xảy ra sai sót” - ông Trung khẳng định.•

Chưa đánh giá được do nền đất hay chất lượng công trình

Theo ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, khu TĐC thôn 1 hình thành từ một quả đồi rộng lớn với diện tích khoảng 13 ha, giải quyết nhu cầu đất ở cho hơn 100 hộ dân thôn 1.

“Lúc trước bà con ở chật chội, Nhà nước có chủ trương san ủi, mở rộng để bà con đủ chỗ ở. Bà con vừa dọn đến nơi ở mới vài tháng nay, sau đợt mưa vừa rồi đã sạt lở ở các thớt 1, 2, 3. Một nền đất đã cấp cho người dân chưa kịp dựng nhà đã bị lở đất cuốn mất, địa phương đang tính toán bố trí cho hộ này ở chỗ khác” - ông Phức nói.

Theo ông Phức, nguyên nhân sạt lở hiện nay vẫn chưa được đánh giá cụ thể do nền đất hay chất lượng công trình. Tuy nhiên, xã đã ghi nhận vụ việc và báo cáo lãnh đạo huyện để có phương án khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân. Tạm thời việc khắc phục chưa được thực hiện ngay do thời tiết thường xuyên có mưa.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

‘Quy định ngưỡng, CSGT làm việc sao xuể’

‘Quy định ngưỡng, CSGT làm việc sao xuể’

(PLO)- Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.