Ngày 2-1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một dự luật bật đèn xanh cho Ankara triển khai quân đến Libya theo yêu cầu của Chính phủ Hòa hợp Dân tộc Libya (GNA).
Dự luật được đưa ra sau đề nghị chính thức của chính quyền Tripoli, yêu cầu Ankara hỗ trợ quân sự để chống lại cuộc tấn công của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và được thông qua với 325 phiếu thuận và 184 phiếu chống, hãng tin Sputnik cho biết.
Ông Ismet Yilmaz, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Quốc gia, phát biểu tại buổi thảo luận ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-1. Ảnh: REUTERS
Trong buổi thảo luận, ông Ismet Yilmaz, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Quốc gia, đã lý giải về sự cần thiết của dự luật: "Một đất nước Libya với chính phủ hợp pháp đang bị đe dọa có thể lan truyền sự bất ổn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Những người ngần ngại thực hiện các bước đi trên cơ sở coi việc này là một nguy cơ sẽ gây mối họa lớn cho con cái chúng ta".
Trước đó, ngày 28-12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đang hành động để ngăn Libya không “bị chia rẽ, rơi vào tình trạng hỗn loạn” và biến thành một Syria thứ hai.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm về vấn đề này. Hai ông đều nhấn mạnh "tầm quan trọng của ngoại giao trong giải quyết các vấn đề trong khu vực", văn phòng Tổng thống Erdogan cho biết.
Quyết định này của Ankara đã vấp phải sự lên án của Ai Cập, quốc gia được cho là hậu thuẫn LNA, khi từ đầu Cairo đã lên tiếng phản đối quyết định của ông Erdogan đưa quân đến Libya.
Ngày 26-12, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Nga lên án bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ của Libya từ một lực lượng bên ngoài.
Ankara luôn nhắc lại quan điểm chỉ gửi quân theo "lời mời" của lực lượng GNA, trên cơ sở thỏa thuận an ninh và quân sự mà hai bên đã ký kết cuối tháng 11-2019. Tuy nhiên, nếu lực lượng LNA ngừng các cuộc tấn công vào Tripoli, Ankara sẽ không gửi quân tới Libya.
Từ năm 2011, khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại, Libya đã rơi vào tình trạng bất ổn và nội chiến kéo dài. Từ năm 2014, lực lượng GNA kiểm soát thủ đô Tripoli và khu vực phía tây Libya, còn phe LNA đóng quân ở miền đông, tạo ra tình trạng chia rẽ ở quốc gia Bắc Phi.
Căng thẳng ở Libya leo thang đáng kể kể từ tháng 4 khi phe LNA do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy phát động chiến dịch đánh chiếm Tripoli.