Quốc hội: Xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm công tác thực hành tiết kiệm

(PLO)- Quốc hội giao Chính phủ xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-11, Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, với 487/488 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Tại nghị quyết, Quốc hội đã đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Trong đó, chỉ ra một số kết quả đạt được, hạn chế tồn tại của công tác này.

Chẳng hạn như nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,9% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản nhà nước được xét xử, thu hồi số vốn, tài sản nhà nước lớn.

Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: C.LUẬN
Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: C.LUẬN

Tuy nhiên, từ cấp trung ương đến địa phương còn một số nơi chưa đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu trong tổ chức thực hiện, chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Sự phối hợp giữa các cơ quan ở cả trung ương, địa phương nhiều trường hợp còn chưa chặt chẽ, không kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Quốc hội giao Chính phủ thời gian tới phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Thảo luận trước đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc bỏ nội dung trong năm 2023 phải hoàn thành việc rà soát toàn bộ công văn, quyết định hành chính ban hành không đúng thẩm quyền liên quan đến việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế.

Báo cáo, giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, bà Nguyễn Thị Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội, cho biết trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được một số văn bản nhà đầu tư khiếu nại về việc thực hiện các quyết định liên quan đến việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế đến nay chưa được Chính phủ xử lý. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ nội dung này.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thúy Anh, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bỏ nội dung phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước 3-5 năm theo hình thức cuốn chiếu khi sửa đổi Luật ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, một trong các khó khăn trong việc quản lý, sử dụng, giải ngân vốn đầu tư công chậm là do việc phê duyệt kế hoạch đầu tư công cứng trong 5 năm, việc lập dự án, điều chỉnh, bổ sung dự án gặp nhiều khó khăn. Do vậy, xin phép Quốc hội cho giữ lại nội dung này, đồng thời bổ sung thêm cụm từ “khi sửa đổi Luật Đầu tư công” để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm