Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Đừng tạo ra cơ chế vòng vo, con gà - quả trứng

(PLO)- Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh chúng ta phấn đấu xây dựng Chính phủ liêm chính và kiến tạo thì phải thay đổi tư duy về xây dựng luật, đừng có kiểu cái gì không quản được thì cấm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-9, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với Bộ Nội vụ.

Báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay: Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN bắt buộc Bộ Nội vụ phải tư duy “đi trước, đón đầu” để tham mưu, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng nhưng phải bám sát thực tiễn cuộc sống.

Quyết tâm đi đầu trong cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy

Theo Bộ trưởng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, nặng nề.

“Có những việc chúng tôi nghĩ khó có thể vượt qua. Có những lúc, chúng tôi nghĩ không biết đường đi như thế nào. Việc tham mưu được cho Chính phủ, Thủ tướng khó khăn đến như vậy, vướng mắc đến như vậy, có những vấn đề về mặt chủ trương là như thế này, nhưng thực tiễn lại khác”- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ việc lựa chọn con đường đi như thế nào để vừa đảm bảo chủ trương, vừa phù hợp với thực tiễn… không phải là chuyện dễ.

Nói về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Nội vụ cam kết sẽ nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đây là mặt trận hàng đầu, là trọng tâm mà Bộ Nội vụ đã nỗ lực thực hiện, đặc biệt là thể chế trên một số lĩnh vực hết sức nóng bỏng và cần thiết phải thay đổi như công vụ, công chức…

Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã quyết tâm đi đầu trong việc cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong. Cụ thể, Bộ đã cắt giảm 64 đơn vị bên trong, sắp xếp 4 đầu mối của bộ, giảm 15% biên chế công chức trong suốt giai đoạn vừa qua.

“Bộ Nội vụ với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng, đôn đốc thực hiện các chủ trương này mà không gương mẫu thì không nói được ai”- bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bo-truong-Noi-vu-Pham-Thi-Thanh-Tra.jpg
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã góp phần thay đổi căn bản trong tổ chức bộ máy. Điều này thể hiện qua quyết tâm, quyết liệt trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ ngành.

“Trước đây, địa phương làm quyết liệt nhưng một số bộ, ngành làm vừa phải, thậm chí có bộ không làm gì. Nhưng vừa qua, các bộ ngành đều sắp xếp lại, giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ”- Bộ trưởng Nội vụ dẫn chứng.

Cùng với đó là việc sắp xếp các tổ chức hành chính của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Qua đó giảm 13 sở và tương đương, 2.159 phòng và tương đương. Các đơn vị sự nghiệp cũng có số lượng sắp xếp rất lớn.

“Chúng ta phải chấp nhận cơ học trong giai đoạn nhất định để sắp xếp một khối lượng rất lớn, nếu không cơ học không làm được. Chỗ nào cũng lý sự nói khó, nói lý do để không sắp xếp, vì vậy phải giao chỉ tiêu mới làm được”- Bộ trưởng Nội vụ cho hay thực tế thời gian qua đã giảm được số lượng lớn đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao nhận thức trong việc tinh giản biên chế.

Một nhiệm vụ khác, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, là phải đổi mới toàn diện trong tổ chức chính quyền địa phương. Thời gian qua, Bộ đã tập trung hoàn thành căn bản và giải quyết các vấn đề phát sinh trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã giai đoạn 2019 – 2021. Hiện Bộ đang quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025.

“Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, nếu không quyết liệt, chỉ cần một ngày ngơi nghỉ thì sẽ lặp lại tình trạng lý sự khó khăn, vướng mắc, lại không làm. Cho nên Bộ quyết tâm, quyết liệt bằng nhiều cách khác nhau, trong tháng này hoàn thành thẩm định đề án của 30 địa phương để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và đến tháng 10 hoàn thành xong tất cả”- Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Thay đổi tư duy "cái gì không quản được thì cấm" trong xây dựng luật

Phát biểu sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết mục đích buổi làm việc chủ yếu là để nắm bắt lĩnh vực vừa được Thủ tướng phân công phụ trách.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Bộ Nội vụ có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, đa ngành, đa lĩnh vực, phụ trách những vấn đề về con người, bộ máy, có những lĩnh vực công việc rất khó và nhạy cảm.

Phó Thủ tướng đánh giá trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã khẳng định là một tập thể đoàn kết, tâm huyết, chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu. Các tham mưu của Bộ bám sát chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và sát thực tiễn.

Pho-Thu-tuong-Nguyen-Hoa-Binh.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, quá trình triển khai nhiệm vụ, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, đồng thời có nhiều sáng tạo, đổi mới, chấp nhận khó khăn, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là với những vấn đề khó.

Các nhiệm vụ được giao Bộ đều hoàn thành tốt, nhất là trên lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế, với một khối lượng công việc rất lớn. Bộ Nội vụ cũng chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình lưu ý Bộ Nội vụ tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, nhất là trong công tác hoàn thiện thể chế. Ông lưu ý xây dựng thể chế là khâu đột phá chiến lược thì phải thay đổi tư duy về xây dựng thể chế.

“Chúng ta phấn đấu xây dựng Chính phủ liêm chính và kiến tạo thì phải thay đổi tư duy về xây dựng luật là "cái gì không quản được thì cấm"”- Phó Thủ tướng nói.

Ông Nguyễn Hòa Bình sau đó nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng trong xây dựng thể chế là phải sát thực tế, tháo gỡ được các khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khơi thông được các nguồn lực, không tạo cơ chế xin – cho.

“Cố gắng đừng tạo ra cơ chế vòng vo, con gà - quả trứng, muốn có tiền phải có đề án, muốn có đề án thì phải có tiền, không biết cái nào trước, cái nào sau, rất khó thực hiện”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ông Nguyễn Hòa Bình sau đó khẳng định “sẽ làm hết sức” những vấn đề liên quan mà Bộ Nội vụ trình.

“Từ khi làm Phó Thủ tướng, tôi ký văn bản, cho ý kiến liên quan đến lĩnh vực của Bộ Nội vụ đầu tiên và là nhiều nhất. Không có văn bản gì để trên bàn tôi quá 2 ngày. Ban ngày họp thì ban đêm đọc văn bản của các đồng chí”- Phó Thủ tướng chia sẻ.

Ông Nguyễn Hòa Bình nhắc Bộ Nội vụ trình sớm 14 hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại trong số 30 hồ sơ các địa phương đã hoàn thành để ông ký duyệt trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng này.

Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh Bộ Nội vụ vừa qua đã quyết liệt, sáng tạo trong giải quyết vấn đề địa giới hành chính giữa Huế và Đà Nẵng mà 50 năm qua chưa phân định được.

“Bộ có phương pháp làm đúng, lập luận đúng, thuyết phục. Các tờ trình liên quan đến sắp xếp lại chính quyền đô thị cấp huyện, xã, Bộ Nội vụ trình, Phó Thủ tướng sẽ làm ngay”- ông Bình nói.

Ủng hộ tinh thần đổi mới sáng tạo, không đùn đẩy, né tránh, thấy đúng là làm, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình mong muốn Bộ Nội vụ tham mưu quyết liệt, chính xác, luôn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo để mang lại hiệu quả cao.

Cải cách chính sách tiền lương: Việc khó, khổ vô cùng

Về cải cách chính sách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ đánh giá đây là việc “khó vô cùng, khổ vô cùng”.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua chủ trương năm 2023 tăng 20,8% mức lương cơ sở; năm 2024 thực hiện 4/6 nội dung theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương với tinh thần có lộ trình, từng bước, hợp lý, khả thi và hiệu quả.

Bà Phạm Thị Thanh Trà nhắc tới 2 điểm lớn: Tăng 30% lương cơ sở - cao nhất từ trước tới nay; đồng thời bổ sung thưởng 10% trong tổng quỹ lương cơ bản.

“Có những lúc chúng tôi cảm thấy vô cùng khó khăn, vướng mắc, nhưng cuối cùng lựa chọn được giải pháp rất phù hợp ở thời điểm trước mắt và còn những vấn đề tiếp tục điều chỉnh trong giai đoạn tới.

Bây giờ xác định trả lương theo vị trí việc làm ngay là một bài toán không hề đơn giản chút nào khi chế độ, chính sách tiền lương hiện hành đang có quá nhiều vấn đề khó khăn”- bà Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.

“Trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương, dù chưa thực hiện trọn vẹn Nghị quyết 27 nhưng với cách làm sáng tạo, thực hiện có lộ trình, bước đi hợp lý, thực tiễn đã chứng tỏ chế độ tiền lương được cải thiện nhưng tình hình không tạo ra đột biến phức tạp”- Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhận xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm