Mục đích nhằm xây dựng con đường nối liền nơi này với Trung Á mà không phải đi ngang qua nước láng giềng Pakistan vốn có lịch sử không mấy êm thắm với Ấn Độ.
Công bố này là một phần của các thỏa thuận nhằm củng cố quan hệ kinh tế giữa Ấn độ với Iran mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký với Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Theo các thỏa thuận này, Ấn Độ sẽ xây dựng và khai thác hai trạm đầu - cuối và năm bến tàu xử lý hàng hóa tại cảng Chabahar.
Đài truyền hình Mỹ CNBC đưa tin ngày 23-5, Ấn Độ cũng đã ký kết thỏa thuận ba bên với Iran và Afghanistan nhằm phát triển một hành lang giao thông giữa ba nước thông qua Chabahar. Thủ tướng Narendra Modi ghi nhận hành lang này sẽ cho phép dòng chảy thương mại, vốn và công nghệ trong khu vực không bị cản trở.
Ông Narendra Modi mô tả thỏa thuận Chabahar là một hành lang của hòa bình và thịnh vượng cho dân tộc. Phát triển hành lang Chabahar sẽ mở đường hợp tác giữa Ấn Độ và đất nước không có biển Afghanistan.
Từ Chabahar, Ấn Độ có thể tiếp cận Afghanistan mà không cần đi qua hành lang bất ổn ở nước láng giềng Pakistan thông qua mạng lưới đường bộ của Iran và quốc lộ Zaranj-Delaram trước đó Ấn Độ đã giúp Afghanistan xây dựng.
Chuyên gia Tanvi Madan ở Viện nghiên cứu Brookings nhận định động cơ chính của Ấn Độ khi ký thỏa thuận Chabahar là kinh tế và chiến lược nhưng bên cạnh đó cũng nhằm vào Trung Quốc. Ông nói: “Chú ý những gì Trung Quốc đang làm không chỉ ảnh hưởng ở Pakistan mà còn ảnh hưởng tới Trung Đông”.
Bắc Kinh đầu tư mạnh để phát triển cảng Gwadar tại tỉnh Balochistan (Pakistan), nơi cách Chabahar không xa.
Hồi tháng 4, báo Dawn của Pakistan đã trích lời một quan chức Trung Quốc nhận xét cảng Gwadar sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2016 và khoảng một triệu tấn hàng hóa vận chuyển qua đây vào năm 2017.
Đầu năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Iran, Saudi Arabia và Ai Cập như một động thái tăng cường sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực nhằm làm sống lại con đường tơ lụa.
Chuyến thăm Iran của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng là một phần trong sáng kiến tiếp cận Trung Đông, nơi có cộng đồng người Ấn đông đảo đồng thời là đối tác thương mại và là nguồn năng lượng quan trọng đối với Ấn Độ. Năm 2015, ông đã có chuyến thăm chính thức tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và hồi tháng 4 đã tới Saudi Arabia. Dự kiến ông sẽ tới Qatar trong vài tháng tới.
CNBC dẫn lời một số chuyên gia ghi nhận chuyến thăm Saudi Arabia của Thủ tướng Narendra Modi có thể được xem như bước đi chiến lược sau khi Pakistan không hỗ trợ quân sự cho liên minh Ả Rập chống phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Ấn Độ vẫn phải đối mặt với thách thức trong nỗ lực hợp tác chống Pakistan do mối quan hệ lịch sử lâu dài của nước này với các ông lớn trong khu vực.