Ngày 3-8, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo có kế hoạch triển khai một số lượng tên lửa tầm trung mới đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc quanh các vấn đề biển Đông và thương mại đang gia tăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết ông ủng hộ sớm triển khai tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất đến châu Á, có thể trong vòng vài tháng tới. Bộ trưởng Esper nói về kế hoạch này một ngày sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vốn cấm Mỹ và Nga triển khai tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.
Úc sẽ khó từ chối một khi Mỹ chính thức đề nghị
Úc - một trong những địa điểm có thể nhận tên lửa Mỹ - trước mắt đã lên tiếng rằng mình chưa hề nhận bất cứ yêu cầu chính thức nào từ phía Mỹ về chuyện này. Ngày 5-8, khi được hỏi liệu Úc có đón nhận tên lửa tầm trung mới của Mỹ hay không, cả Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds và Thủ tướng Úc Scott Morrison đều cho biết phía Mỹ chưa hề hỏi rằng Mỹ có thể triển khai tên lửa tới Úc được không.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp báo ở Sydney (Úc) ngày 4-8. Ảnh: DETTY IMAGES
Vậy các lãnh đạo Úc sẽ phản ứng thế nào một khi phía Mỹ chính thức đề cập việc này? Theo nhà phân tích địa chính trị và luật sư biện hộ người Úc James O’Neill, “sự phản đối của bộ trưởng quốc phòng Úc là điều khó có thể tin tưởng”. Ông O’Neill đưa ra một số lý do cho sự bi quan của mình.
Thứ nhất, theo ông O’Neill, Úc lâu nay vốn là một trung tâm của các lực lượng quân sự Mỹ và gần đây có thừa nhận (sau nhiều lần bác bỏ lúc đầu) rằng một căn cứ nữa đang được xây dựng gần cảng Darwin. Ông cho rằng căn cứ mới này “rõ ràng là một hành động nhằm cân bằng với việc Úc cho một công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm”.
Thứ hai, “thật khó để xác định con số chính xác căn cứ quân sự Mỹ ở Úc nhưng có một số, trong đó có một số căn cứ chính ở bang Queensland và Tây Úc”.
Thứ ba, Úc lâu nay là một đối tác tự nguyện tham gia trong các cuộc chiến tranh của Mỹ trong nhiều thập niên, như các cuộc chiến ở Hàn Quốc, Việt Nam, Afghanistan, Syria và không có dấu hiệu gì cho thấy Úc có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách này, theo ông O’Neill.
Trong khi đó, ý kiến của Giáo sư danh dự Carlyle Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra có phần khác. Theo ông, dù “quyền lợi quốc gia của Úc có thể đồng quy (gặp nhau ở một điểm) với quyền lợi quốc gia Mỹ, nhưng chúng không đồng dạng (cùng hình dạng, cấu trúc nhưng khác về kích cỡ)”.
Theo Giáo sư Thayer, “điểm mấu chốt trong bản chất liên minh giữa Mỹ và Úc là sẽ không có đề nghị hỗ trợ chính thức nào được đưa ra một khi câu trả lời đã được biết trước. Trong trường hợp này, Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Esper đã vươn tay quá mức nghi thức ngoại giao khi công khai bàn về vấn đề này trước khi họ đến Sydney tham dự đối thoại AUSMIN”.
Phía nam Trung Quốc sẽ nằm trong tầm bắn
Có ý kiến rằng TP cảng Darwin nằm ở Lãnh thổ phía Bắc của Úc có thể là nơi đón nhận tên lửa Mỹ. Đây là nơi Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc mở rộng sự hiện diện quân đội Mỹ.
Ngày 4-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Mỹ chưa có quyết định nào về địa điểm sẽ triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á. Tuy nhiên ông Pompeo không loại trừ khả năng các tên lửa có thể được đặt ở phía Bắc nước Úc, cộng thêm vào lực lượng tại các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực này, báo The Australian đưa tin.
Darwin là một khu vực gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc - vốn xem đây là một địa điểm chiến lược. Năm 2015, cảng Darwin được trao cho một công ty của Trung Quốc có tên Landbridge Group thuê trong 99 năm và Mỹ bất mãn với điều này.
Tàu HMAS Adelaide rời cảng Darwin lần cuối cùng trước khi cảng này được cho một công ty Trung Quốc thuê. Ảnh: SPUTNIK
Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Thương mại song phương Úc-Trung Quốc đạt 192,1 tỉ USD trong năm 2018, tương đương 29% tổng thương mại hàng hóa của Úc trong năm này. Trong cuộc đối thoại Bộ trưởng Úc-Mỹ (AUSMIN) mới đây, Ngoại trưởng Úc Marise Payne khẳng định Úc xem Trung Quốc là “một đối tác quan trọng sống còn của Úc”.
“Sẽ không bên nào có lợi một khi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên đua tranh hơn hay đối đầu” - bà Payne nói tại cuộc đối thoại AUSMIN.
Nếu thật sự Mỹ triển khai tên lửa đến Darwin, khu vực bờ biển phía nam Trung Quốc sẽ nằm trong tầm bắn của các tên lửa này. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh sáng 6-8, ông Fu Cong - Tổng Giám đốc cơ quan kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ có biện pháp đối phó nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung đến châu Á.
Ngày 5-8, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) có bài viết rằng đề xuất triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ đến châu Á-Thái Bình Dương không những làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc mà cả với Nga.
Tại Nga cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các nhà báo rằng Nga sẽ có các bước đi trả lời nhằm cân bằng việc Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Ryabkov không loại trừ khả năng Nhật có thể sớm nhận hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Mk 41 VLS từ Mỹ, vốn có thể phóng được các tên lửa tầm trung.
Ngày 5-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng Nga sẽ buộc phải khởi động phát triển các tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất nếu Mỹ thực hiện điều này trước. Ông Putin cũng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, và Cơ quan Tình báo Đối ngoại theo dõi chặt mọi động thái từ phía Mỹ, xem Mỹ có phát triển, sản xuất hay triển khai các tên lửa bị cấm theo Hiệp ước INF hay không.
Bên cạnh Úc, Thời báo Hoàn cầu còn đưa ra ba khu vực có khả năng sẽ là nơi Mỹ triển khai tên lửa tầm trung thông thường: Nhật, Hàn Quốc, và đảo Guam - lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Đảo Guam hiện có hai căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ. Theo báo Korea Herald, ngày 5-8 Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lên tiếng rằng nước này chưa hề có cuộc bàn bạc nào với Mỹ về khả năng triển khai tên lửa Mỹ trên lãnh thổ nước mình.