Mỹ: Nhân viên tuần tra biên giới không tiêm vaccine COVID-19 sẽ bị sa thải?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ The New York Times hôm 29-9, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas bị cáo buộc đã đe dọa sa thải các sĩ quan tuần tra biên giới từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19. Thông tin này càng gây tranh cãi trong bối cảnh dòng người di cư bất hợp pháp, dù chưa được tiêm chủng, vẫn đang tràn vào Mỹ.

Đảng Cộng hòa khiếu nại

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã đệ đơn khiếu nại Bộ trưởng Mayorkas sau khi có người tố giác rằng ông đã đe dọa sẽ sa thải nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) nếu họ không đi tiêm phòng COVID-19 đầy đủ trước tháng 11 năm nay.

“Thật không thể tin được rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden lại có thể cho phép người nhập cư bất hợp pháp nhiễm COVID-19 tràn qua biên giới chúng ta, nhưng lại đuổi việc các nhân viên thực thi pháp luật nào không tiêm vaccine” - hai hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Jordan và Tom McClintock chỉ trích.

Hai nghị sĩ Cộng hòa này đề cập đến sắc lệnh ngày 9-9 của ông Biden yêu cầu tất cả nhân viên chính phủ phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, nếu không sẽ bị cho thôi việc.

Có nguồn tin cho rằng Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas đã đe dọa sẽ sa thải nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng nếu không được tiêm phòng đầy đủ trước tháng 11 năm nay. Ảnh: TWITTER

Cả ông Jordan lẫn ông McClintock lưu ý thêm rằng công việc của các sĩ quan tuần tra biên giới đã trở nên khó khăn hơn trong một tháng qua sau các “cáo buộc sai trái” của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris khi cho rằng họ đã “trói người di cư trên lưng ngựa” như thời nô lệ.

“Chính quyền Washington đang công khai nhắm vào nam, nữ sĩ quan đầy anh dũng của Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ” - hai nghị sĩ đảng Cộng hòa nhấn mạnh.

Thông tin về lời đe dọa sa thải các sĩ quan Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ xuất hiện vào thời điểm những người này đã nhận lệnh rút khỏi nhiệm vụ của mình tại biên giới để giúp xử lý dòng người di cư tại các trung tâm xử lý.

Hai nghị sĩ Jordan và McClintock cảnh báo Bộ trưởng Mayorkas rằng việc sa thải các sĩ quan của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ chỉ vì không chịu tiêm vaccine sẽ khiến tình hình càng thêm hỗn loạn.

“Quyết định ấy sẽ chỉ làm cho cuộc khủng hoảng biên giới trở nên tồi tệ hơn và làm cho đất nước của chúng ta kém an ninh hơn. Chúng tôi hy vọng rằng vì sự an toàn của đất nước mà ông Mayorkas sẽ thấy được sự sai lầm trong quyết định này” - hai nghị sĩ đảng Cộng hòa nói.

“Hãy chọn ủng hộ những người sĩ quan anh hùng của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, những người đang đặt cược mạng sống của họ hàng ngày, và tìm những biện pháp phù hợp cho những sĩ quan không lựa chọn việc tiêm vaccine vì lý do cá nhân hoặc y tế" - ông Jordan và McClintock kêu gọi.

Các sĩ quan của lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ đứng gác gần thị trấn Del Rio, bang Texas. Ảnh: REUTERS

Trước đó, vào tháng 8, một số các học viên của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ chưa được tiêm chủng đã bị đuổi khỏi một học viện ở New Mexico.

Người di cư nhiễm COVID-19 vẫn được cho vào Mỹ

Theo đài RT, những người di cư bất hợp pháp không bắt buộc phải được tiêm vaccine đầy đủ trước khi được đưa vào Mỹ. Trên thực tế, Bộ trưởng Mayorkas đã thừa nhận vào hôm 27-9 rằng có khoảng 20% người di cư qua qua biên giới Mỹ-Mexico bị nhiễm COVID-19.

Các sĩ quan tuần tra biên giới Mỹ đã bắt gặp hơn 200.000 người cố gắng vượt biên trái phép qua biên giới phía nam nước này chỉ trong tháng 8. Hầu hết những người này chưa được tiêm phòng, và như ông Mayorkas thừa nhận, hàng chục nghìn người trong số này đã bị nhiễm COVID-19.

Cuộc khủng hoảng người nhập cư leo thang trong những tuần gần đây khi hàng nghìn người dân Haiti tập trung dưới một cây cầu trong một trại tạm bợ gần thị trấn biên giới Del Rio ở bang Texas. 

Trái ngược với tuyên bố của chính quyền rằng những người này sẽ bị trục xuất về nước, Bộ trưởng Mayorkas tiết lộ rằng có khoảng 10.000-12.000 người đã được đưa vào Mỹ và con số có thể sẽ tăng lên khi 5.000 người Haiti nữa được cho phép vào Mỹ. Nhiều người trong số này còn chưa được xét nghiệm COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm