Các chuyên gia Nga và Trung Quốc nhận định rằng các cuộc tập trận gần đây giữa hai nước có thể mở ra khả năng thiết lập năng lực tương tác quân sự tương tự Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tờ South China Morning Post đưa tin ngày 13-8.
Ngày 13-8, 10.000 quân từ chiến khu Tây của Trung Quốc và quân khu Đông của Nga đã tham gia tập trận ZAPAD/INTERACTION-2021 ở khu tự trị Hồi - Ninh Hạ (phía bắc Trung Quốc). Cuộc tập trận cho phép quân đội Trung Quốc có cơ hội thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới nhất, cũng như thể hiện khả năng phối hợp với các lực lượng Nga.
Lần đầu tiên, quân đội hai nước đã sử dụng một hệ thống chỉ huy và kiểm soát chung. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Nga sử dụng các dòng xe tấn công bọc thép, xe chiến đấu bộ binh và nhiều khí tài khác do Trung Quốc sản xuất trong tập trận.
Các binh sĩ Nga sử dụng trực thăng Trung Quốc trong cuộc tập trận ZAPAD/INTERACTION-2021. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia Vasily Kashin thuộc Đại học Kinh tế cao cấp ở TP Moscow (Nga) nhấn mạnh rằng việc chia sẻ và dùng chung khí tài là một thông lệ tiêu chuẩn của NATO và giúp các nước hiểu biết kỹ hơn về vũ khí của bên tổ chức tập trận.
“Bắt đầu từ cuộc tập trận chiến lược chung Vostok-2018, các cuộc tập trận hiện tại nhằm chống lại một cuộc chiến tranh cường độ cao với một đại cường quốc. Mức độ tin tưởng dường như rất cao. Hiện tại, mức độ tiếp cận mà người Nga dành cho Trung Quốc dường như tương đương hoặc cao hơn so với các đồng minh thân cận nhất giữa các nước từng thuộc Liên Xô như Belarus và Kazakhstan” - ông Kashin nhận xét.
Đại tá quân đội Trung Quốc đã về hưu, nhà phân tích quân sự Nhạc Cương cũng nói rằng Trung Quốc chưa bao giờ trao quyền tiếp cận khí tài quân sự ở cấp độ này cho quân đội nước ngoài.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Artyom Lukin thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông (Nga) cho rằng bất chấp việc quan hệ Nga-Trung thường được mô tả như một cuộc “hôn nhân chính trị”, “rõ ràng là các cuộc tập trận quân sự giữa Nga và Trung Quốc không chỉ là biểu tượng cho tình hữu nghị thân thiết mà ngày càng hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng tương tác trên chiến trường”.
Kể từ cuộc tập trận đầu tiên năm 2005, quân đội Nga và Trung Quốc đã tìm cách tăng tần suất, quy mô và tính phức tạp của các cuộc tập trận, song vẫn chưa thể hiện được tiềm năng tổ chức một chiến dịch quân sự chung quy mô lớn.
Dù đây là cuộc tập trận quốc tế ở Trung Quốc đầu tiên kể từ đầu dịch COVID-19 và diễn ra trong bối cảnh tình hình Afghanistan ngày càng phức tạp, một số chuyên gia cho rằng mục tiêu của cuộc tập trận chung Nga-Trung là Mỹ, theo South China Morning Post.
Từ lâu, Moscow và Bắc Kinh duy trì sự mơ hồ về khả năng hình thành liên minh hoặc tiến hành các hoạt động chung. Tuy nhiên, cuộc tập trận ở Ninh Hạ đang buộc Mỹ phải tính đến tình huống xấu nhất là phải giao chiến với liên quân Nga-Trung.
“Vì Nga hiện diện trên cả châu Âu và Đông Bắc Á và có thể điều động lực lượng giữa hai quân khu trong lãnh thổ của mình, nguy cơ khả tín về việc đối đầu cùng lúc với cả Nga và Trung Quốc, đến một lúc nào đó, sẽ khiến Mỹ không thể kiềm chế Trung Quốc về mặt quân sự” - ông Kashin cảnh báo.
Ông Nhạc lưu ý rằng Trung Quốc và Nga không phải đồng minh, nhưng có quan hệ “tốt đẹp như đồng minh với năng lực tập thể”, đồng thời cho rằng “Trung Quốc và Nga phải gắn bó chặt chẽ khi đối đầu Mỹ”.
Trung Quốc được cho là hưởng lợi từ việc hợp tác quân sự với Nga khi học hỏi kinh nghiệm thực chiến. Từ những năm 1980, Trung Quốc không tham gia cuộc chiến lớn nào, trong khi Nga đã trải qua chiến tranh Chechnya - một khu vực đòi ly khai ở vùng bắc Caucasus, chiến tranh Georgia và vẫn duy trì các hoạt động quân sự ở Syria.