Với UAV Thổ Nhĩ Kỳ, Tripoli giành nửa Libya, Syria thiệt nặng

Từ Syria, Libya tới Nagorno-Karabakh, phương pháp tấn công quân sự bằng UAV được triển khai bầy đàn rất hiệu quả. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong lịch sử chiến tranh.

Theo đài RT, trong bài phân tích viết cho Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại, ông Gustav Gressel – nghiên cứu viên chính sách cấp cao lập luận rằng việc Azerbaijan sử dụng rộng rãi (và thành công) máy bay không người lái (UAV) trong cuộc xung đột hồi năm ngoái với Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh mang lại nhiều bài học về cách tự vệ cho châu Âu.

UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đáp xuống sân bay Gecitkale (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 12-2019. Ảnh: Getty Images / Muhammed Enes Yildirim /Anadolu Agency

Ông Gressel cảnh báo rằng châu Âu sẽ phải trả giá nếu đơn giản chỉ coi cuộc chiến Nagorno-Karabakh là một cuộc chiến tranh nhỏ giữa hai nước nghèo. Về điều này, ông Gressel đã đúng – Azerbaijan đánh bại Armenia không phải do may mà thắng mà chính là một biểu hiện của sự hoàn hảo trong nghệ thuật chiến tranh bằng tác chiến UAV của Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh chính của Azerbaijan trong cuộc chiến. Kết luận của ông Gressel rằng hầu hết các nền quân đội của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảm hại như quân đội Armenia khi đối mặt một mối đe dọa như vậy là vô cùng chính xác.

Những gì đã xảy ra với quân đội Armenia trong cuộc chiến tranh 44 ngày ngắn ngủi nhưng tàn khốc với Azerbaijan không chỉ đơn giản là thua một cuộc chiến, mà hơn hết là Armenia đã thua như thế nào. Những gì xảy ra trên bầu trời Nagorno – Karabakh, nơi Azerbaijan triển khai một loạt UAV do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sản xuất không chỉ để giám sát và tấn công các mục tiêu của Armenia mà còn định hình và thống trị toàn bộ chiến trường – có thể ví như một cuộc cách mạng quân sự.

Sự kiện này tương tự như sự xuất hiện của xe tăng, phương tiện bọc thép cơ giới và máy bay vào đầu thế kỷ 20 đặt dấu chấm hết cho lực lượng kỵ binh.

Không phải binh sĩ Armenia không dũng cảm hay không được huấn luyện bài bản và trang bị tốt mà là họ đang chiến đấu với một kiểu chiến tranh vượt trội về công nghệ, nơi họ dù có chiến đấu quả cảm đến đâu thì kết quả cũng đã được định trước – chết chóc và thiết bị bị phá hủy.

Khoảng 2.425 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng trong cuộc chiến, 185 xe tăng Y-72, 90 xe chiến đấu bọc thép, 182 khẩu pháo, 73 pháo phản lực bắn loạt và 26 hệ thống tên lửa đất đối không bị phá hủy.

Một loại hình tác chiến mới

Những gì xảy ra với Armenia không phải là khoảnh khắc cá biệt trong lịch sử quân sự, mà là đỉnh cao của một loại hình tác chiến mới, tập trung vào sử dụng UAV.

Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh chính của Azerbaijan trong cuộc chiến chống Armenia đã hoàn thiện nghệ thuật tác chiến bằng UAV trong nhiều năm với kinh nghiệm dày dặn trong cuộc xung đột toàn diện hiện đại tích lũy được trong cuộc chiến gần đây ở Syria (tháng 2-3 năm 2020) và Libya (tháng 5-6 năm 2020).

Tấn công bằng UAV trở thành loại hình tác chiến mới. Ảnh: AFP

Trong thập niên qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng lệnh cấm vận vũ khí do Mỹ và các nước khác áp đặt nhằm hạn chế Ankara tiếp cận loại UAV hiện đại mà Washington sử dụng trên thế giới nhằm xây dựng một căn cứ sản xuất UAV nội địa dù vạch xuất phát bắt đầu bằng con số 0. Thổ Nhĩ Kỳ phát triển nhiều UAV với nhiều cấu hình khác nhau, trong đó nổi bật là hai loại UAV Anka-S và Bayraktar.

Trong khi “UAV được triển khai thành bầy đàn” (drone swarm) là thuật ngữ phổ biến dùng cho kiểu chiến tranh lấy UAV làm trung tâm do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành thì thực tế là tác chiến bằng UAV hiện đại, khi được tiến hành trên quy mô lớn, là một quá trình phối hợp ở mức độ cao, có chủ đích, tích hợp tác chiến điện tử, trinh sát, giám sát và vũ khí.

Cuộc chiến bằng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria được quản lý từ Trung tâm chỉ huy chiến thuật thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân thứ hai Thổ Nhĩ Kỳ, cách chiến trường 400 km, tại TP Malatya thuộc tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ). Người điều khiển UAV chỉ việc ngồi tại đó và phụ trách tác chiến phổ điện từ (EMS) tích hợp nhằm gây nhiễu các radar phòng không của Syria và Nga, đồng thời thu thập tín hiệu có giá trị quân sự (chẳng hạn như các cuộc nói chuyện qua điện thoại di động) để định vị mục tiêu cụ thể.

Cứ Thổ Nhĩ Kỳ mất 1 USD thì Syria mất 5 USD

Những hệ thống chính mà Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng trong vai trò này là hệ thống gây nhiễu KORAL và UAV Anka-S được thiết kế đặc biệt hoạt động như một nền tảng thu thập thông tin tình báo trên không. Anka-S cũng hoạt động như một hệ thống chỉ huy và kiểm soát trên không, chuyển thông tin tình báo thu được đến các UAV Bayraktar. Sau đó, UAV Bayraktar sẽ phát hiện và khóa mục tiêu trước khi phóng rocket không đối đất có độ chính xác cao và kết liễu mục tiêu.

Tiêm kích Su-24 của Syria. Ảnh: Abdulmonam Eassa/AFP

Khi được tiến hành một cách cô lập, một cuộc tấn công bằng UAV tích hợp như những cuộc tấn công mà Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện có thể đem lại hiệu quả chết người. Còn khi được tiến hành đồng thời với hơn bốn hệ thống đang hoạt động trở lên (mỗi hệ thống có khả năng nhắm nhiều mục tiêu) thì hậu quả còn tàn khốc hơn. Nhìn từ quan điểm của nạn nhân, đây chẳng khác nào hứng đòn trí mạng từ cả bầy đàn UAV.

Cuộc chiến ở Syria cho thấy một yếu tố quan trọng khác liên quan tới tác chiến bằng UAV. Đó là sự chênh lệch chi phí giữa UAV và khí tài quân sự mà nó có thể phá hủy. UAV Bayraktar và Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ trị giá khoảng 2,5 triệu USD mỗi chiếc. Trong cuộc chiến tại tỉnh Idlib (Syria), Thổ Nhĩ Kỳ mất 6-8 UAV với thiệt hại tổng cộng khoảng 20 triệu USD.

Trong đêm đầu tiên của cuộc chiến tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố (và phía Nga không bác bỏ) rằng nước này đã phá hủy một lượng lớn thiết bị hạng nặng của quân đội Syria, trong đó có 23 xe tăng và 23 khẩu pháo. Tổng cộng, UAV của Thổ Nhĩ Kỳ được cho đã phá hủy 34 xe tăng Syria và 36 hệ thống pháo cùng với một lượng đáng kế thiết bị chiến đấu khác. Nếu tính một xe tăng do Nga sản xuất có giá trung bình là 1,2 triệu USD và một khẩu pháo là 500.000 USD thì tổng thiệt hại do UAV Thổ Nhĩ Kỳ gây ra là khoảng 57,3 triệu USD. Con số này là chưa tính các thiệt hại vật chất khác của quân đội Syria (có thể tương đương hoặc cao hơn con số này).

Nhìn từ khía cạnh chi phí, cứ Thổ Nhĩ Kỳ mất 1 USD là Syria mất tới khoảng 5 USD.

Thổ Nhĩ Kỳ đã rút ra bài học từ hoạt động chiến đấu ở Idlib và áp dụng điều đúc rút được vào chiến trường Libya tháng 5-2020. Tại đó, Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận đang bị Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Nguyên soái Khalifa Haftar bao vây. Thời điểm đó, GNA ra sức chặn đứng cuộc đánh chiếm thủ đô Tripoli do LNA phát động.

Giúp phe Tripoli giành nửa giang sơn Libya

LNA nhận sự hậu thuẫn của nhiều lực lượng nước ngoài, bao gồm Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Nga (thông qua công ty quân sự tư nhân Wagner Group). Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến tại quốc gia Bắc Phi dựa nhiều vào tác chiến UAV tích hợp mà họ đã hoàn thiện ở Syria. Tại Libya, kết quả đem lại còn khả quan hơn với việc phe GNA có thể đẩy lùi lực lượng LNA, giành được gần nửa giang sơn Libya.

Binh sĩ của lực lượng chính phủ Libya sử dụng UAV. Ảnh: REUTERS

Cả LNA và GNA đều sử dụng rộng rãi UAV chiến đấu, song chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ đem đến cách tiếp cận tích hợp đối với tác chiến UAV.

Giới quan sát đã quen với việc các UAV đơn lẻ của Mỹ hoạt động tự do ở không phận Iraq, Yemen và Afghanistan, thực hiện các đòn tấn công chính xác nhằm vào mục tiêu khủng bố. Tuy nhiên, hồi tháng 5-2020, Iran đã chứng minh rằng những UAV này có thể gục ngã/tổn thương trước hệ thống phòng không hiện đại và chiến thuật UAV không phát huy nhiều tác dụng tại không phận tranh chấp.

Tương tự, lực lượng LNA sử dụng rộng rãi UAV chiến đấu do Trung Quốc chế tạo và do phi công UAV điều khiển từ xa. Họ đã đạt được thành công lớn cho tới khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp.

Khi có sự xuất hiện của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến, khả năng phòng không tích hợp cùng tác chiến điện tử đã khiến những UAV của LNA không thể triển khai các hoạt động. Và việc LNA không đủ khả năng chống trả các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cục diện cuộc chiến nhanh chóng nghiêng hẳn về phe GNA. Mức chênh lệch về chi phí giữa GNA và LNA lớn hơn mức 1 USD với 5 USD ở Syria.

Mỹ, Nga và Trung Quốc không nằm ngoài cuộc đua UAV

Vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hợp tác với Azerbaijan chống Armenia tháng 9-2020, trình độ tác chiến UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt đến đỉnh cao và kết quả chiến thắng của Azerbaijan tại Nagorno – Karabakh đã nói lên điều đó.

Một trong những bài học lớn rút ra từ những kinh nghiệm sử dụng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, Libya và Nagorno – Karabakh đó là những cuộc xung đột này không phải chống lại những cái gọi là “nước nghèo”.

UAV Wing Loong II của Trung Quốc được thiết kế để sánh ngang với UAV MQ-9 Reaper của Mỹ. Ảnh: Aviation Industry Corporation of China

UAV Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với các lực lượng được huấn luyện bài bản và trang bị tốt gần như tương đương với lực lượng của các nước châu Âu vừa và nhỏ. Thật vậy, trong cả ba cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu với các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất do Nga sản xuất.

Và việc triển khai hàng loạt UAV đang trở thành xu hướng. Lục quân Mỹ hiện phát triển cái gọi là “Bầy đàn UAV hoàn toàn tự động có vũ trang” (gọi tắt AFADS). Khi được triển khai, AFADS sẽ  tự động - mà không cần con người can thiệp -  định vị, nhận diện và tấn công mục tiêu bằng đạn thông minh. Khi đó, một bầy đàn UAV nhỏ sẽ tỏa ra khắp chiến trường để định vị và kết liễu mục tiêu.

Trung Quốc cũng đã thử nghiệm một hệ thống tương tự triển khai tới 200 UAV “cảm tử”. Hệ thống này được thiết kế để tỏa đi khắp chiến trường và phá hủy mục tiêu bằng cách lao thẳng vào nó.

Tháng 9-2020, quân đội Nga lần đầu tiên tích hợp năng lực “UAV bầy đàn” vào một cuộc tập trận quy mô lớn.

Bộ mặt của chiến tranh hiện đại đã vĩnh viễn thay đổi. Những quốc gia nào chưa chuẩn bị hoặc trang bị chiến đấu trên chiến trường, nơi công nghệ UAV được tích hợp đầy đủ trong mọi khía cạnh của cuộc chiến thì sẽ có nguy cơ gánh chịu những hậu quả mà Armenia từng đối mặt. Đó là sự tổn thất nghiêm trọng về người và thiết bị, sự thất bại quân sự và mất đất.

Như chuyên gia Gustav Gressel đã lưu ý, đây là thực tế của chiến tranh hiện đại và sẽ khiến bất kỳ quốc gia nào không được cung cấp đầy đủ công nghệ UAV “suy nghĩ và lo lắng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm