Tờ South China Morning Post đưa tin ngày 22-9, người biểu tình đã tụ tập, nắm chặt tay nhau thành những hàng dài người dọc theo vỉa hè đường Ma Tau Wai, Kowloon, hát thánh ca và hô vang khẩu hiệu của mình.
Sự kiện được tổ chức dưới dạng một sự kiện tín ngưỡng, bắt đầu bằng việc cầu nguyện để thể hiện sự ủng hộ đối với yêu sách năm điểm của lực lượng biểu tình, tờ báo này cho biết thêm.
Người biểu tình nối tay nhau trên vỉa hè đường Ma Tau Wai. Ảnh: SCMP
"Đây là cách thức hòa bình để đạt được những yêu cầu của chúng tôi" - một người biểu tình tên Joey C, 38 tuổi, nói. Người này cho biết thêm họ sẽ tiếp tục đấu tranh vì dân chủ, dù không chắc chắn kết quả có thể đạt được là gì.
Vienna Chan, 36 tuổi, một người dân và là thành viên của một nhà thờ trong khu vực, cho biết cô ủng hộ hòa bình và các giá trị văn hóa ở Hong Kong, bao gồm cả tự do ngôn luận. "Tôi không thích bạo lực, dù là từ phía chính quyền hay từ người biểu tình" - Chan nói.
"Văn hóa của chúng tôi không phát triển từ văn hóa Trung Quốc, cũng không phải từ văn hóa Anh, chúng tôi có văn hóa riêng, hệ thống riêng và sự tự do ngôn luận riêng. Đó là những thứ mà chúng tôi trân quý" - Chan cho biết thêm.
Cuộc biểu tình được lên kế hoạch bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng 22-9.
Cơ quan quản lý sân bay cho biết tuyến đường sắt nối với nhà ga chỉ cho phép hành khách vào khu vực trung tâm thành phố, hủy bỏ những tuyến đường đến bán đảo Kowloon, và chỉ những người đã có vé mới được quyền đi vào nhà ga.
"Đã có những cuộc điện thoại trực tuyến sử dụng các vé tàu, vé máy bay và thông tin đặt vé máy bay giả mạo để tiến vào nhà ga... Cơ quan quản lý sân bay xin nhắc lại, những hành vi đó có thể được coi là hành vi gian lận hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo" - cơ quan trên nói thêm.
Các cuộc tuần hành đã nổ ra khi chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong đề xuất thông qua dự luật dẫn độ mới, và đã kéo dài liên tiếp 16 tuần liền.
Ngày 4-9, chính quyền của Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên bố rút lại dự luật này. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn không dừng lại khi người biểu tình cho rằng họ cần tiếp tục đấu tranh vì nền dân chủ ở vùng lãnh thổ này. Họ cũng nhắc lại, chính quyền cần đáp ứng cả năm yêu sách mà lực lượng đối lập đã đưa ra.
Bạo loạn và đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra nhiều lần. Mới đây, tờ South China Morning Post trưa 21-9 đưa tin người biểu tình đã đốt bom xăng và đập phá ở đường Castle Peak.
Những diễn biến này càng làm cho chính quyền trung ương Trung Quốc phải đau đầu khi mà căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa tìm được một thỏa thuận có thể chấp nhận được cho cả hai bên.