Ủy ban Chính pháp Trung Quốc trong một bài viết đăng trên tài khoản WeChat ngày 13-9 nói rằng thanh niên Hong Kong nên nhìn về phía Bắc để tìm kiếm những cơ hội kinh tế ở Trung Quốc đại lục thay vì cứ bám lấy hy vọng vào các quốc gia phương Tây để giải quyết những vấn đề tài chính của mình, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Bài viết của Ủy ban Chính pháp Trung Quốc thể hiện sự thay đổi gần đây trong các nỗ lực tuyên truyền của Bắc Kinh liên quan tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong, bằng cách nhấn mạnh vào các yếu tố kinh tế - xã hội như thiếu nhà ở giá rẻ trong TP là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến các vấn đề ở Hong Kong.
Trung Quốc nói những người biểu tình ở Hong Kong đừng hy vọng phương Tây có thể giải quyết vấn đề của họ. Ảnh: SCMP
Bài viết cho rằng sự tức giận của thanh niên Hong Kong là điều dễ hiểu, tuy nhiên cảm xúc của họ đã bị người khác lợi dụng và những người đó không thể giải quyết vấn đề của họ.
"Thật không dễ khi trở thành thanh niên trong đô thị quốc tế này. Họ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và gánh nặng bài tập về nhà. Sau khi vào đại học, họ phải gánh những khoản nợ lớn và thậm chí sau khi tốt nghiệp, họ vẫn phải đối mặt với khó khăn tìm việc làm, mức lương thấp, giá nhà cao và tương lai vô định" - SCMP trích đoạn bài viết.
Trong bài viết, Ủy ban Chính pháp Trung Quốc kêu gọi người trẻ Hong Kong nên nhìn xa hơn ranh giới của TP để tìm kiếm các cơ hội, đặc biệt ở Trung Quốc đại lục.
“Nếu giới trẻ Hong Kong muốn có một lối thoát, họ nên mở rộng tầm nhìn và không nên khóa mình trong môi trường địa phương của "người dân Hong Kong" và vòng tròn của "những người nói tiếng Quảng Đông". Họ nên nhìn về phía Bắc” - bài bình luận có đoạn.
Bài bình luận với tựa “Cách giải cứu Hong Kong phần 2: Người trẻ Hong Kong có thể tìm lối thoát cho tương lai?” cho hay những người biểu tình nên thận trọng đối với những người hối thúc họ.
"Những người kêu gọi mọi người xuống đường có thể giải quyết vấn đề việc làm, tiền lương và nhà ở của Hong Kong không? Họ có sẵn sàng giải quyết vấn đề không? Những gì họ có là ngôn từ sáo rỗng về dân chủ và tự do, họ đang làm những người tức giận trở nên tức giận hơn và các vấn đề trở nên khó giải quyết hơn" - bài bình luận viết.
Theo bài viết, các quốc gia phương Tây thậm chí không thể và không sẵn lòng giải quyết các vấn đề mà người Hong Kong đối mặt và "thật không tưởng" khi yêu cầu họ giúp Hong Kong.
Bài bình luận cũng nói rằng những người biểu tình ở Hong Kong đang làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của TP này khi phá hoại các tài sản công cộng và gây ra sự suy thoái trong lĩnh vực phục vụ, bán lẻ và khách sạn.
Hôm 10-9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vô cùng không hài lòng sau khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gặp Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một trong những thủ lĩnh của phong trào biểu tình ở Hong Kong.
Người biểu tình Hong Kong tập trung trên núi Lion Rock, Hong Kong ngày 13-9. Ảnh: REUTERS
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ngày 13-9 cho biết sẽ ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề nhà ở và việc làm nhằm xoa dịu người biểu tình sau ba tháng sóng gió.
Theo hãng tin Reuters, bà Lam trong một bài đăng trên tài khoản Facebook nói rằng chính quyền Hong Kong sẽ công bố nhiều chính sách mới nhằm tăng nguồn cung nhà ở cũng như đáp ứng nhu cầu về việc làm của người dân.
Hong Kong là một trong những nơi có giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới và nhiều thanh niên cho rằng chính sách nhà ở của TP không công bằng, thiên vị người giàu, buộc họ phải sống với cha mẹ hoặc thuê các căn hộ siêu nhỏ với giá cắt cổ.
Những bức xúc này có thể đã làm trầm trọng hơn các cuộc biểu tình ở Hong Kong, nổ ra từ đầu tháng 6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa nghi phạm sang các khu vực chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục xét xử.
Hôm 4-9, nữ lãnh đạo Hong Kong tuyên bố chính thức rút lại dự luật song người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường vì cho rằng sự nhượng bộ của bà là “quá ít, quá trễ”. Ngoài yêu cầu rút lại dự luật, người biểu tình còn đưa ra các yêu cầu khác như thành lập ủy ban điều tra độc lập vào các hành vi của cảnh sát khi trấn áp biểu tình, loại bỏ từ “bạo động” khi nói về người biểu tình, tha bổng những người biểu tình bị bắt, tổ chức bầu cử phổ thông.