Philippines tố 275 tàu Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ

Đài CNN ngày 2-4 dẫn lời ông Jason Ramon, lãnh đạo Phòng quan hệ công chúng của Bộ Tư lệnh Tây Philippines, cho biết khoảng 275 tàu Trung Quốc đã bị phát hiện di chuyển gần đảo Thị Tứ từ đầu năm đến nay.

Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng trái phép.

Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Philippines Edgard Arevalo cảnh báo rằng rất khó để thống kê số lượng tàu Trung Quốc xuất hiện quanh đảo Thị Tứ cùng một thời điểm vì các tàu này liên tục “đến và đi” quanh khu vực.

Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm giữ trái phép. Ảnh: AFP

Phát ngôn viên Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo cho biết Manila có đặt một số câu hỏi cho Bắc Kinh về sự hiện diện đáng lo ngại của hạm đội khổng lồ này.

"Trước hết, chúng tôi muốn xem họ có thừa nhận tình trạng trên thực địa đã được chúng tôi thông báo hay không. Thứ hai, chúng tôi cần biết nguyên do của động thái này. Thứ ba, chúng tôi sẽ đề nghị họ chấm dứt hoạt động một cách lịch sự", ông Panelo cho biết.

"Trung Quốc đang cố tạo ra một thực trạng tại khu vực mà chúng ta khó có thể thay đổi về sau. Mỗi ngày trôi qua mà chúng ta không hành động đều là một cơ hội bị phí hoài", nghị sĩ đối lập Gary Alejano của Philippines tuyên bố với CNN.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Manila Zhao Jianhua lại nói Bắc Kinh vẫn đang tìm cách xác thực số lượng tàu cá của nước này xuất hiện quanh đảo Thị Tứ. Ông Zhao nói các tàu này có thể chỉ là tàu cá “không được vũ trang”, theo CNN. 

Đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa, xếp thứ hai trong quần đảo về mặt diện tích. Nơi này là ngư trường lớn với nhiều tiềm năng. Ngoài ra, giới quan sát cho rằng hòn đảo này có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với tuyến hàng hải quốc tế.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 14-3 ở Hà Nội, khi được hỏi về những hoạt động của Trung Quốc trong khu vực đảo Thị Tứ vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.

Bà Hằng cho rằng trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hoà bình cho các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có các hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có các hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở trên Biển Đông.

“Các bên cần hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực trong hoà bình, ổn định tại khu vực”, bà Hằng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm