Trung Quốc muốn gây bất hòa trong ASEAN

Indonesia tiếp tục ủng hộ mọi nỗ lực củng cố ổn định và hòa bình ở biển Đông. Báo Tempo (Indonesia) đưa tin ngày 16-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir tuyên bố như trên.

Ông giải thích Indonesia không phải là nước tranh chấp ở biển Đông, do đó Indonesia giữ quan điểm khách quan và nhắm đến một mục đích duy nhất là hòa bình và ổn định khu vực.

Ông khẳng định Indonesia tiếp tục ủng hộ thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, đồng thời nhanh chóng hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông.

Liên quan đến hội nghị đặc biệt bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh (Trung Quốc) ngày 14-6, người phát ngôn Arrmanatha Nasir nhấn mạnh văn bản đã công bố sau hội nghị tuy chỉ là thông cáo báo chí nhưng nội dung phù hợp với các tuyên bố trước đây của ASEAN về biển Đông.

Báo The Straits Times (Singapore) đưa tin Indonesia và Philippines đều khẳng định ban đầu các bộ trưởng ngoại giao tham dự hội nghị ASEAN đã nhất trí với nội dung tuyên bố chung (dù không được công bố).

Báo The Philippine Star ghi nhận hội nghị ASEAN không thể công bố tuyên bố chung có lời lẽ cứng rắn về tranh chấp ở biển Đông là do bất đồng trong nội bộ ASEAN.

Máy bay E/A-18G Growler trên tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis ngày 5-6 ở biển Đông. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tại Philippines ngày 16-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Charles Jose đã giải thích với báo chí tuyên bố chung đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về các diễn biến làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông.

Tuyên bố chung cũng kêu gọi quyền tự do hàng hải và hàng không đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế

Ông cho biết Trung Quốc đã phản đối tuyên bố chung sử dụng câu chữ như thế với lý do Mỹ và các đồng minh có thể lợi dụng để can thiệp vào tranh chấp ở biển Đông.

Người phát ngôn Charles Jose nói ban đầu các bộ trưởng ngoại giao đều nhất trí về nội dung tuyên bố chung nhưng sau đó một số bộ trưởng ngoại giao có lẽ đã đổi ý.

Ông ghi nhận không rõ sắp tới liệu tuyên bố chung có được công bố hay không trong khi Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam đã ra tuyên bố riêng rẽ về hội nghị.

Báo The Philippine Star dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao cấp cao Philippines (giấu tên) cho biết ba nước Lào, Campuchia và Myanmar đã rút lại ủng hộ đối với tuyên bố chung để tránh Trung Quốc.

Ngày 16-6, khi được hỏi về việc Trung Quốc phản đối tuyên bố chung, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng không trả lời trực tiếp mà chỉ nói nếu ASEAN muốn chính thức phát tuyên bố về quan điểm thì phải được tất cả các nước thành viên ASEAN đồng ý.

Ngày 17-6, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida khẳng định: “Quân đội Trung Quốc đã đơn phương leo thang hoạt động trong vùng biển gần Nhật”. Ông cho biết Nhật sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ, vùng biển và vùng trời, tuy nhiên Nhật tiếp tục duy trì quan điểm ôn hòa để tình hình không trở nên căng thẳng.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi tàu trinh sát Đông Điều của Trung Quốc xuất hiện ngoài lãnh hải Nhật gần đảo Kitadaito (tỉnh Okinawa). Hôm 15-6, cũng tàu Đông Điều đã xâm nhập vùng biển đảo Kuchinoerabu (tỉnh Okinawa).

Trước đó, hôm 9-6, một tàu khu trục Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện trong khu vực quần đảo Senkaku. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani đã chỉ trích Trung Quốc không báo trước với Nhật khi đưa tàu chiến vào hải phận Nhật. Ông khẳng định khu vực tàu khu trục Trung Quốc di chuyển không phải vùng biển quốc tế.

_______________________________

4 máy bay E/A-18G Growler của hải quân Mỹ và 120 quân nhân đã đến căn cứ không quân Clark ở Philippines để hỗ trợ Philippines tuần tra hàng hải. Hạm đội 7 Mỹ thông báo trong phi đội tuần tra sẽ có các phi công Philippines.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm